Da Liễu

Thưa bác sĩ, Bác sĩ cho em hỏi là. em bị kiến ba khoang bò ở hai cẳng chân 2 bên, ban đầu chỉ ngứa, sau đó nổi mụn li ti thì e có bôi povidine và bôi xanh methylen đã được hai ngày. Nhưng hôm nay e thấy mụn nước nổi to lên, phòng lên và có mủ do có màu đục, nhưng không bị vỡ và chảy nước. Hằng ngày e có tắm rửa chỗ bị nổi bằng xà bông rồi rửa nước muối sinh lý rồi bôi povidine và xanh methylen. Em bôi như vậy là có đúng không ạ? Em nên làm sao cho nhanh khỏi ạ? vì e bôi xanh methylen mà nó bị nổi to lên nên e rất sợ ạ. Bác sĩ tư vẫn giúp em ạ

MinhThi

(2016/06/15 03:08)

Chào em,
Việc điều trị viêm da do kiến khoang không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Phương pháp điều trị tùy theo tổn thương và chủ yếu dùng thuốc bôi tại chỗ kèm thuốc kháng histamin đường uống.
Thuốc bôi tại chỗ:
Khi mới tiếp xúc với độc tố của kiến chỉ có đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da. Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương.
Nếu có xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Chú ý, khi bôi không nên dùng castellani cho trẻ em vì thuốc này có thể làm trẻ đau rát khi bôi. Khi tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.
Thuốc uống:
Thuốc kháng histamin thế hệ 1: (ví dụ: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin...) nhóm thuốc này có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng.
Thuốc kháng histamin thế hệ 2: hiện nay có nhiều thuốc kháng histamin thế hệ 2 không gây buồn ngủ được dùng rộng rãi như: cetirizin, astemizol, loratadin, desloratadin, fexofenadin. Tuy nhiên, cần thận trọng đối với những người có vấn đề tim mạch hoặc tiền sử bệnh tim mạch không được dùng một số thuốc trong nhóm astemizol vì nhóm này có thể làm loạn nhịp tim.
Một số trường hợp hiếm gặp: bệnh nặng, kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân thì cần điều trị đặc biệt. Có thể phải dùng corticosteroid toàn thân. Trường hợp bội nhiễm nặng cũng có khi phải dùng kháng sinh toàn thân.
Hiện tại, em mới bị tình trạng này 2 ngày, em cứ tiếp tục rửa nước muối sinh lý, không nên dùng xà bông để tắm vùng này, sau đó em có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương. Tình trạng này sẽ đỡ sau khoảng 1 tuần. Em cứ yên tâm nhé! Nếu xuất hiện mủ hay bị ngứa, đau nhiều, em có thể xử lý như hướng dẫn ở trên nhé!\
Chúc em sớm khỏi!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan