Chào cháu,
Vùng da cạnh hậu môn là nơi có nhiều tuyến bã, ẩm ướt, cọ xát nhiều, nếu không giữ sạch sẽ, khô ráo sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, hậu quả là hình thành các mụn nhọt nơi đây. Với các triệu chứng như cháu mô tả thì cháu đang bị nhiễm trùng ở vùng da này. Đặc điểm của tổn thương da loại này là người bệnh thấy ngứa nhiều, đụng vào gây đau rát, mụn nhọt thường sưng to. Người có bệnh tiểu đường, béo phì, ăn nhiều đồ ngọt, dùng nhiều chất kích thích, người bị bệnh gan, thận... sẽ dễ bị mắc bệnh hơn.
Mụn mọc quanh hậu môn kéo dài dễ bị áp xe sâu có thể ăn thông vào trực tràng, tạo ra lỗ rò (dò) hậu môn - trực tràng rất khó chịu.
Những việc sau đây có thể giúp bệnh của cháu thuyên giảm:
- Vệ sinh vùng mông nhất là cạnh hậu môn bằng cách rửa với xà bông hoặc dung dịch có tính kháng khuẩn như Betadin, thuốc tím pha loãng màu hồng, nước muối pha loãng và rửa mỗi ngày 2-3 lần: sáng, trưa, tối, sau đó lau bằng khăn khô hoặc khăn giấy sạch và bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như: Fucidine, Bactroban, Betadin, Eosine mỗi ngày 2-3 lần, đồng thời thay quần áo sạch hằng ngày.
- Hạn chế ăn chất ngọt, ăn nhiều rau, trái cây tươi, uống nhiều nước 2,5- 3lít/ ngày, tập thể dục hằng ngày, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress…
- Kiểm tra xem có bệnh tiểu đường hay đang dùng thuốc làm giảm miễn dịch như Corticoide… không? (vì các yếu tố trên làm giảm sức đề kháng cơ thể, có thể là nguyên nhân khiến bệnh xuất hiện).
Nếu sau khi đã điều trị như trên vẫn không khỏi thì cháu nên đến cơ sở y tế để thăm khám và có trị liệu thích hợp.
Chúc cháu sớm khỏi!