Chào cháu,
Mẹ cháu bị nổi mụn đỏ khắp tay thì có thể là một trong những trường hợp sau:
– Tình trạng dị ứng thực phẩm: một trong những dấu hiệu dị ứng hải sản, sữa động vật, đậu phộng, trứng,… là nổi mẩn ngứa. Các ban ngứa này mọc rải rác nhiều nơi trong đó có tay chân. Những biểu hiện khác giúp cháu nhận biết được mình đang bị dị ứng thực phẩm: nôn ói, hô hấp kém, thở khò khè, tiêu chảy.
– Phản ứng với nọc độc của động vật: để ý xem trên cánh tay có nốt mẩn nào đặc biệt không, chẳng hạn chúng bị sưng to hơn, màu sắc đậm hơn. Đặc tính thường thấy của hiện tượng dị ứng nọc độc là bị nổi mẩn chỗ bị đốt chích sau đó xuất hiện các mẩn khác nhiều hơn.
– Dị ứng thuốc kháng sinh: với những thuốc liều mạnh hay những người suốt thời gian dài uống thuốc ngủ, thuốc an thần,… Có nhiều nhóm thuốc khi vào dạ dày không được phân giải hoàn toàn hoặc gan yếu không chuyển hóa các dược tính của thuốc tốt dẫn đến dị ứng, nổi mẩn ngứa trên tay.
– Dị ứng hóa chất: tay là bộ phận cầm nắm nhiều đồ vật khác nhau và tiếp xúc với nhiều vật thể lạ nhất. Hãy nhớ lại xem những hóa chất nào mà mẹ cháu đụng đến nhiều nhất như xà bông, nước rửa bát, nước lau nhà,…. Mẹ cháu nên dùng bao tay khi phải tiếp xúc với chúng, nếu sau một thời gian thấy triệu chứng nổi mẩn hay ngứa trên tay giảm thì đã xác định được thủ phạm.
– Các bệnh về gan: chức năng gan suy giảm do bị nhiễm độc, mắc bệnh viêm gan, gan nhiễm mỡ dẫn đến hiện tượng chất độc tích tụ và gây dị ứng cho da.
Ngoài ra còn có rất nhiều các nhân tố khác khiến bạn nổi mẩn ngứa ở tay chẳng hạn như thời tiết chuyển nóng sang lạnh và ngược lại, dị ứng với mỹ phẩm bôi tay, viêm da dị ứng,…
Để hạn chế tình trạng này, mẹ cháu cần chú ý:
– Mọi nhân tố nghi ngờ là thủ phạm gây dị ứng da đều cần tránh xa.
– Tránh để tay ướt liên tục vì dễ dẫn đến khô da, làm da ẩm ướt quá mức tạo điều kiện cho vị khuẩn và các loại nấm trên da phát triển mạnh hơn.
– Dùng bao tay để bào vệ làn da mỗi khi phải dùng đến các chất tẩy rửa và hóa chất khác.
– Dưỡng ẩm khí thấy da bị khô, chọn những kem dưỡng không có mùi và không có chứa chất bảo quản là tốt hơn cả. Nên chọn thành phần tự nhiên vì chúng giúp giữ nước tốt là an toàn với làn da.
– Không để chỗ mẩn ngứa trên tay tiếp xúc nhiều với những vật xung quanh cũng như không nên gãi cọ khi bị ngứa vì chúng càng gây kích ứng nhiều hơn đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
Nếu đã chú ý những điều trên mà tình trạng mẩn đỏ của mẹ cháu vẫn không đỡ, cháu nên đưa mẹ đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhé!
Chúc mẹ cháu sớm khỏi!