Chào cháu,
Bệnh mắt cá chân và mụn cóc bàn chân là 2 bệnh khác nhau cháu nhé!
Bệnh mắt cá chân là một tổn thương dày sừng khu trú ở lòng bàn chân. Vị trí thường xuất hiện ở những nơi mà xương bàn chân tiếp xúc với giày dép như: mặt lòng của ngón chân thứ 5, cạnh bàn chân, gót chân, gò cái lòng bàn chân. Biểu hiện là trung tâm tròn chứa chất sừng, da xung quanh có viền dày sừng, màu vàng trong, ấn vào thì đau. Mắt cá có khi phẳng, có khi lồi lên khỏi mặt da, bề mặt láng hay có vảy. Mắt cá thường rất đau vì ở những vị trí dễ kích thích cọ sát. Mắt cá không lây lan nhưng có khả năng bị nhiễm trùng. Thông thường chỉ có 1-2 cái.
Cần chẩn đoán phân biệt với mụn cóc lòng bàn chân (Plantar wart). Mụn cóc lòng bàn chân thường ở sâu hơn, ít đau, khô hơn, xuất hiện thường có nhiều cái, nhìn kỹ có những gai nhỏ và thường có những chấm đen. Vị trí không nhất thiết phải ở vùng tỳ ép. Mụn cóc lòng bàn chân có thể lây lan sang những vùng khác trên cơ thể và có thể lây lan cho người khác. Và cũng cần phân biệt với chai chân (Callus), vốn là tổn thương dày sừng thường xuất hiện do sự ma sát, tỳ đè kéo dài; tổn thương là đám da dày màu ngả vàng, hơi cộm lên, hình trong hay bầu dục, sờ cứng, không đau hoặc đau không đáng kể, không có nhân ở giữa.
Phương pháp điều trị của 2 bệnh này cũng khá giống nhau:
Bệnh mắt cá chân:
+ Đốt điện mắt cá chân thường là đốt bằng laser. Sau khi đốt sẽ tạo ra chỗ loét và mất thời gian khoảng 2 tháng vết thương mới có thể lành. Sau khi điều trị, mắt cá có thể tái phát, ấn vào vẫn đau nhói.\n+ Phẫu thuật, gây tê tại chỗ, lấy cả nhân lẫn lớp sừng trong (cho đến mô lành), khâu bằng chỉ không tiêu mảnh (8-10 ngày sau mới cắt chỉ). \n+ Nếu mắt cá do xương thừa ở đầu xương bàn chân đè lên da tạo thành thì phải phẫu thuật cắt xương thừa này đi\n+ Chấm Azote lỏng (hay nitơ lỏng) là khí nitơ được hóa lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Sau khi chấm thuốc có thể gây phồng nước và đau nhiều ngày sau khi chấm. Mỗi lần chấm cách nhau 1-2 tuần \n+ Có thể sử dụng salicylic acid 40% để làm tiêu sừng…
Bệnh mụn cóc bàn chân:
+ Làm đông lạnh bằng nitrogen hóa lỏng (cryosurgery)
+ Đốt bằng kim điện (electrocautery)
+ Dùng tia laser để cắt đứt dòng máu đến nuôi mụn cóc
+ Bôi cantharidin, podophyllin, tretinoin, hoặc salicylic acid lên mụn cóc
+ Tiêm Candida antigen, một protein gây dị ứng, hoặc bleomycin, một thuốc hóa trị ung thư, trực tiếp vào khối u
Mụn cóc ở lòng bàn chân thường khó điều trị, có khi phải mất nhiều tháng mới hiệu quả.
Để được điều trị, cháu nên đến cơ sở y tế uy tín nhé! Cháu không nên dùng các biện pháp chích, đốt tại nhà bằng các vật dụng không vô trùng, vừa không giúp điều trị mà lại có thể bị nhiễm trùng.
Cháu nên đi khám sớm nhé!
Chúc cháu sớm khỏi!