Tai Mũi Họng

Chào bác sĩ tôi năm nay 35 tuổi một tuần rồi cứ nhuot nước bọt la thấy vướng ở cổ họng con ăn thì không sao cho tôi hỏi đây có thể là bệnh không

Nguyễn thị huyền

(2016/04/03 05:56)

Chào bạn,
Theo thư bạn mô tả, có thể bạn bị loạn cảm họng. Đây là một hội chứng gây ra bởi nhiều bệnh. Loạn cảm họng thường thể hiện ở cảm giác chủ quan có dị vật mắc trong họng (cảm giác bị hóc xương) hoặc có khối u phát triển, chèn ép họng (ám sợ ung thư họng).
Tuy nhiên cảm giác vướng mắc này chỉ cảm nhận thấy khi nuốt nước bọt suông, còn khi ăn và uống lại hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng phụ kèm theo loạn cảm họng có thể là: ngứa họng, đau mỏi cổ, tê vai gáy, đầy bụng, ăn kém ngon, ợ hơi, trầm cảm, cảm giác tức ngực...
Do họng là ngã tư giao thoa của đường ăn và đường thở với nhiều cấu trúc giải phẫu đồng thời là khu vực rất phong phú về hệ thống thần kinh, nên loạn cảm họng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra khi bị các yếu tố kích thích như các bệnh hoặc tổn thương ở ngay vùng họng, răng, miệng hoặc xa hơn như ở thực quản, thậm chí ở dạ dày - ruột, ở cột sống cổ và bao gồm cả các rối loạn chuyển hóa hay nội tiết.
Bệnh nhân loạn cảm họng thường phàn nàn có cảm giác khó thở như không hít được không khí vào phổi, nuốt nước bọt cảm giác có dị vật, xương... nằm ngang cổ họng, cứ phải khịt khạc liên tục nhưng khi ho khạc thì không có gì cả.
Trước một bệnh nhân loạn cảm họng, thầy thuốc thường phải khám xét rất kỹ để có thể loại trừ hết mọi nguyên nhân thực thể như: hóc xương thật, viêm amiđan mạn tính, dài mỏm trâm (một loại bệnh lý bẩm sinh), viêm mũi xoang, bị ung thư giai đoạn đầu hoặc khối u lành gây chèn ép ở họng, dấu hiệu báo trước bệnh của tuyến giáp trạng, cơ thể béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên...
Sau đó mới được nghĩ đến những nguyên nhân do rối nhiễu tâm lý như: ưu bệnh, ám sợ, hysteria, stress tâm lý như thất tình, làm ăn thua lỗ... Riêng đối với các nguyên nhân tâm lý dấu hiệu đau họng và nuốt vướng thường lúc ở bên trái, lúc ở bên phải, lúc lại nằm ngay ở dưới hàm rồi dần dần đau xuống cả dạ dày... thì trị liệu tâm lý có vai trò quyết định. Đây có thể là một rối loạn chức năng thần kinh của cơ thể. Sự rối loạn chức năng thần kinh là do mất thăng bằng cơ thể giữa các tạng phủ gây ra theo y học cổ truyền.
Nấm họng miệng do nấm Candida gây nên cảm giác đau tức và nuốt khó chịu như loạn cảm họng. Trong viêm họng mạn tính, chứng loạn cảm họng phát sinh ngay cả khi đã trị khỏi viêm họng và ho. Bệnh nhân thường thấy nuốt vướng do thành sau họng - hạ họng viêm lan tỏa mức độ nhẹ, hoặc một số đảo biểu mô niêm mạc thành sau họng phù nề nhẹ dẫn đến co thắt cơ xiết họng dưới ở các mức độ khác nhau.
Loạn cảm họng thường gặp ở những người có phản xạ nhạy cảm ở niêm mạc hạ họng nhất là sau một đợt viêm họng kéo dài. Khi khám thực thể một điều khó khăn đặt ra là miệng họng, amiđan, lưỡi bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Chính điều này làm cho bệnh nhân băn khoăn, không tin tưởng ở thầy thuốc, mất ăn, mất ngủ vì việc lo sợ bị ung thư hoặc mắc một dị vật ở trong cổ mà thầy thuốc không chẩn đoán ra dẫn đến tình trạng bệnh nhân tìm hết thầy thuốc này tới thầy thuốc khác để điều trị với tập đơn thuốc dầy trong tay, tốn kém mà vẫn bán tín bán nghi không biết theo người bác sĩ nào để điều trị cho hết khó chịu trong họng.
Việc điều trị loạn cảm họng nên cố gắng tìm ra nguyên nhân để giải quyết.
Nếu nguyên nhân gây ra loạn cảm họng được tìm thấy như viêm amiđan mạn tính, dài mỏm trâm... thì việc phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân này đồng nghĩa với bệnh nhân khỏi bệnh.
Điều trị nội khoa bằng các thuốc giảm phù nề như anphachymotrysin, kết hợp với các thuốc giảm đau, an thần, điều chỉnh rối loạn nội tiết...
Tâm lý liệu pháp được áp dụng ở những bệnh nhân có hội chứng loạn cảm họng được xác định là do nguyên nhân này rất có hiệu quả.
Bạn nên đi khám tại chuyên khoa Tai mũi họng của các bệnh viện để được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan

Tai Mũi Họng
Em bi ngua mui va hat hoi co tuot nao dieu tri hieu qua khong

Ngiyenthanhtring

(2016/06/25 07:40)