Chào cháu,
Theo như cháu miêu tả thì có thể cháu bị bệnh mắt cá bàn chân.
Đây là một bệnh dày sừng khu trú ở bàn chân. Nhìn bằng mắt, mắt cá là khối sừng nhỏ, ít khi nổi cao hơn bề mặt da, bề mặt trơn bóng hoặc bong vẩy.
Nguyên nhân:
– Sự xuất hiện của dị vật ở chân (dằm, đầu đinh) làm cho các tổ chức xung quanh bàn chân bị xơ hoá, hình thành mắt cá. Do đó, có thể ví von mắt cá giống như viên ngọc trai vì quá trình hình thành của chúng về cơ bản như nhau.
– Mắt cá đôi khi xuất phát từ mụn cóc ở bàn chân. Sau một thời gian bị đè nén, mụn cóc bị ấn sâu vào trong và hình thành một lớp sừng dày phía ngoài.
– Ngoài ra, thói quen đi giày quá chật cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh mắt cá.
Chai chân cũng là một bệnh dày snừg khu trú ở bàn chân. Vị trí nốt chai chân cũng tương tự như mắt cá, thường xuất hiện ở những vùng bị ma sát, tỳ đè, dễ bị sang chấn như mười đầu ngón chân, gót, mu khớp bàn đốt…
Tuy nhiên, chai chân là những đám sừng dày màu ngà hoặc vàng, hơi nổi lên, hình tròn hay bầu dục , sờ vào thấy cứng nhưng không có nhân bên trong.
Trong khi đó, mắt cá gây đau khi đi lại hoặc có sự va chạm. Khi ấn vào sẽ có cảm giác đau nhói. Còn bản thân vết chai chân không gây đau. Nhưng vùng ranh giới của nốt chai chân với da lành có thể bị rạn nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn. Về cơ bản, để phân biệt bệnh mắt cá với bệnh chai chân, người ta có thể dựa vào hiện tượng bên ngoài như: bệnh mắt cá không có những đường vân trên da.
Mắt cá chân không có khả năng sinh sản như mụn cóc. Tuy nhiên, nếu mắt cá có nguyên nhân từ mụn cóc, nó sẽ có khả năng sinh sôi.
Khi này, nếu nhân mắt cá không được ra hết, nó sẽ tiếp tục phát triển và hình thành một mắt cá mới.
Bệnh có nhiều cách điều trị khác nhau:
– Dán axit salicylic 40% để làm tiêu sừng.
– Đốt điện hoặc đốt laser.
– Chấm Azote lỏng.
– Tiểu phẫu để lấy toàn bộ nhân mắt cá (dị vật). Đây là phương pháp triệt để nhất để điều trị bệnh mắt cá.
Cháu nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được điều trị sớm nhé!
Chúc cháu nhiều sức khỏe!