Chào bạn!\nTrong thư bạn không cho biết quá trình chẩn đoán và điều trị trong thời gian vừa qua, nên rất khó tư vấn cụ thể. Tuy vậy, tôi sẽ cung cấp một số thông tin về tình trạng vô kinh để bạn tham khảo.\nVô kinh là trường hợp nữ giới ở độ tuổi sinh sản nhưng lại không có kinh nguyệt hàng tháng như các phụ nữ khác. Trước đây, người ta thường phân biệt vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay, sự phân biệt vô kinh nguyên phát và thứ phát không còn cần thiết nữa.\nHiện tượng vô kinh xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, có thể liệt kê như sau: \n- Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý tại tử cung, niêm mạc tử cung và đường sinh dục dưới: không có tử cung, tử cung nhi hóa, dính lòng tử cung, âm đạo có vách ngăn, không có âm đạo, bịt tắc màng trinh, lao sinh dục. Trong nhóm các nguyên nhân này, gặp nhiều nhất là dính lòng tử cung.\n- Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý buồng trứng: gặp nhiều nhất là buồng trứng đa nang. Các nguyên nhân khác bao gồm teo buồng trứng bẩm sinh, buồng đã bị cắt sau mổ u buồng trứng hay bệnh lý tại buồng trứng, buồng trứng đa nang. \n- Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý tuyến yên: thường gặp u lành tuyến yên do tăng prolactin, ngoài ra còn gặp hội chứng Sheehan (hoại tử tuyến yên gây mất sữa, vô kinh, rụng tóc, suy giáp, suy thượng thận). \n- Nguyên nhân vô kinh do vùng dưới đồi, thần kinh trung ương có những bất thường, gây nên rối loạn hoạt động nội tiết. Thường gặp trong trường hợp căng thẳng, stress, lo âu, mất ngủ kinh niên, có những biến động về tâm thần quá mức như vui, buồn, tang tóc, sợ hãi, thay đổi môi trường sống.\n- Do các bệnh lý toàn thân: có thể gặp ở người quá gầy yếu do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, nhiễm độc, có bệnh gan nặng, bệnh thận mạn tính. Có người bị vô kinh sau khi phải dùng dài ngày các thuốc an thần, thuốc chuyển hóa hoặc thuốc chống ung thư, xạ trị. \n- Vô kinh trong giai đoạn mang thai và cho con bú.\nNhiều nguyên nhân gây vô kinh cũng có thể gây vô sinh. Chẩn đoán nguyên nhân vô kinh không phải lúc nào cũng dễ dàng, song cần được bác sĩ chuyên khoa phát hiện sớm để có hướng xử trí kịp thời. Không rõ bạn đã đi khám, được chấn đoán nguyên nhân gì gây vô kinh và quá trình điều trị ra sao. Khi bạn đã đi khám và được chẩn đoán mắc bất kì bệnh gì thì bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ qua việc tái khám, càng không được tự ý mua thuốc theo đơn cũ về dùng tiếp. Trong quá trình điều trị, theo dõi và tái khám, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng, bổ sung hay thay đổi loại thuốc đang dùng để có được kết quả tốt cho người bệnh.\nChúc bạn sức khỏe!