Chào bạn,
Các cục chai được hình thành do hiện tượng tăng sừng. Nốt chai thường có dạng tròn, vị trí thường trên mặt các ngón chân, ngay trên các khớp bàn ngón, tương xứng với vùng tăng sừng (dày hơn da bình thường), giới hạn rõ, với trung tâm là một nhân cứng gồm nhiều tế bào chết xếp dày đặc. Nguyên nhân chính gây nên các nốt này là do: Mang giày dép quá chật hoặc quá cứng, vùng da bị tì đè do lực chèn ép lặp đi lặp lại dần sẽ tăng sừng, tạo thành nốt chai, Bệnh lý tổn thương khớp gây biến dạng đốt bàn ngón hoặc bàn chân quặp..vô tình tạo ra những điểm cọ xát thường xuyên của da lên giày, dép.
Khi các nốt chai lớn dần, nhân cứng có thể tiếp xúc với các đầu mút thần kinh của da gây ra cảm giác châm chít, khó chịu, đôi khi gây đau. Cũng có thể gây ra các biến chứng viêm và nhiễm trùng, nếu can thiệp lên nốt chai không đúng.
Điều trị các nốt chai cần thiết phải giải quyết được nguyên nhân cọ xát giữa da và giày dép, các biện pháp chăm sóc chỉ nhằm mục đích đề phòng các biến chứng như đau và viêm:
Dụng cụ cắt nốt chai, nên sử dụng kềm cắt da, sau cắt nên thoa giữ ẩm hoặc thuốc mỡ, thường nốt chai sẽ tái phát và đầy nhanh sau cắt da.
Dung dịch và các thuốc làm tiêu sừng dưới dạng băng dán không nên sử dụng, vì có thể làm tổn thương các tế bào da lành xung quanh.
Không nên cố gắng cắt bỏ hoàn toàn nốt chai, vì ngoài nguy cơ nhiễm trùng ra, thì sự tái phát nốt chai hiển nhiên xảy ra nếu nguyên nhân không được giải quyết triệt để.
Phòng ngừa hình thành nốt chai, nên thực hiện:
Lựa chọn giày dép phù hợp, đủ rộng để các ngón chân được “thoải mái”, độ cao của gót giày giới hạn tối đa 4-5 cm cho nữ.
Trường hợp có biến dạng bàn chân, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa, có thể mang dụng cụ bảo vệ hoặc miếng lót nếu cần để giảm cọ xát cho da.
Thân mến,