Chào bạn,
Dây thần kinh tọa là một dây thần kinh dài nhất cơ thể, trải dài từ phần dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Dây thần kinh tọa chi phối các động tác của chân, góp phần làm nên các động tác đi lại, đứng ngồi của hai chân. Triệu chứng phổ biến nhất của đau thần kinh tọa là đau lưng kéo dài qua hông và mông và xuống tới chân. Cơn đau thường chỉ ảnh hưởng đến 1 bên chân và đau hơn khi ngồi, ho, hắt hơi. Người bệnh cũng cảm thấy tê liệt, yếu và ngứa ran ở chân. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong nhiều ngày hoặc vài tuần.Các nguyên nhân gây ra bệnh gồm: tổn thương ở cột sống thắt lưng gây chèn ép rễ thần kinh, thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng, các tổn thương thực thể khác ở vùng thắt lưng (dị dạng bẩm sinh, chấn thương, thoái hóa cột sống thắt lưng, u, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống do nhiễm khuẩn)...
Việc điều trị bệnh phải kết hợp các biện pháp nội khoa, đông y, ngoại khoa, tâm lý, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, vì vậy bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để có chỉ định về thuốc men và các biện pháp điều trị hỗ trợ cụ thể. Một số phương pháp được dùng để điều trị như:
-Phương pháp vật lý trị liệu\nTrong điều trị bệnh đau thần kinh tọa, phương pháp vật lý trị liệu đã cho kết quả khá tốt. Có thể dùng các biện pháp chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại,sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc lên vùng cột sống thắt lưng nhằm giảm đau và giảm co cứng cơ.\nKhi có điều kiện có thể sử dụng liệu pháp tắm cát, tằm bùn và đắp bùn, tắm nhiệt, tắm suối khoáng, liệu pháp biển (điều trị bằng nước biển, bùn biển, rêu và khí hậu biển). Người ta cũng áp dụng cả các phương pháp đông y như xoa bóp, châm cứu, ấn huyệt, thủy châm. Kéo giãn cột sống cũng là một trong những biện pháp tốt. Có thể kéo dãn cột sống bằng một biện pháp đơn giản là treo xà ngang. Sức nặng của cơ thể và sức hút trái đát có tác dụng kéo giãn cột sống.
-Điều trị bằng Thuốc\nBao gồm các thuốc chống viêm không steroid (voltarel, tilcotil, mobic...), các thuốc giảm đau (paracetamol, efferal-gan codein, di-antalvic), thuốc giãn cơ (mydocalm, decontractyl, myonal...), tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison. Tuy nhiên người bệnh cũng cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại thuốc tây y để điều trị bệnh, do việc sử dụng thuốc Tây lâu dài hay dùng quá nhiều đều là nguyên nhân làm cho các cơ quan trong cơ thể chúng ta chịu nhiều tác dụng không mong muốn. Gan và thận chính là những cơ quan có chức năng chuyển hóa và thải trừ các loại thuốc này sau khi đã hết tác dụng dược lý, và hai cơ quan này thường bị ảnh hưởng nhiều nhất dẫn đến việc chức năng của hai cơ quan này bị suy giảm đi.
Bên cạnh đó, bạn nên nghỉ ngơi và bất động khi đau nhiều, giường nằm cần phẳng và cứng. Để đỡ đau có thể nằm co chân lại hay nằm sấp. Khi có nguy cơ lún và di lệch cột sống (lao, viêm, ung thư...) các bác sĩ sẽ cố định bằng bột, đai nẹp, yếm, áo chỉnh hình thắt lưng. Chỉ sau khi bệnh đã ổn định, người bệnh mới được dần dần vận động lại. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống bệnh nhân có thể đeo đai lưng. Bệnh có thể được chữa khỏi nhưng cần thời gian và sự quyết tâm và kiên trì của chính bạn.
Chúc bạn sức khỏe!