Chào em,
Hiện tượng vú em bị nhức có thể chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc do một bệnh lý thực sự. \nỞ các chị em phụ nữ, hai bầu vú là một trong những nơi trên cơ thể khá nhạy cảm với các yếu tố bên trong cũng như với các kích thích từ bên ngoài.\nCác yếu tố bên trong cơ thể bao gồm các yếu tố về thần kinh và nội tiết sẽ tác động trực tiếp nên các mô và tổ chức của tuyến vú. Vú là nơi tập trung khá nhiều đầu mút của các dây thần kinh có chức năng nhận cảm về các cảm giác đau, nhận cảm về áp lực, về nhiệt độ,…đặc biệt là ở vùng nhũ hoa và xung quanh nhũ hoa nên đây là vùng rất nhạy cảm với bất kì kích thích nào tác động vào.\nNgoài ra, các mô của tuyến vú còn chứa nhiều thụ cảm thể (các receptor) đối với các hormon sinh dục nữ Oestrogen, Progesteron; hormon của tuyến yên chi phối việc bài tiết sữa ở tuyến vú (hormon Prolactin), hormon Oxytocin,…Vì vậy, khi có bất kì sự thay đổi về yếu tố nội tiết trong cơ thể đều sẽ tác động lên mô tuyến vú và chị em phụ nữ có thể tự cảm nhận được những sự thay đổi đó.\nHiện tượng bị nhức hay đau tức vùng ngực 2 bên là hiện tượng sinh lý bình thường có thể gặp trong giai đoạn dậy thì khi mô tuyến vú đang phát triển mạnh hoặc có thể gặp ngay trước và trong khi hành kinh hoặc có thể xảy ra trong khi mang thai và trong giai đoạn cho con bú.\nTrong giai đoạn dậy thì, tuyến vú đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên nhiều các bạn gái có cảm giác bị đau tức vùng ngực hai bên nhưng mức độ đau thường nhẹ và sẽ hết khi cơ thể đạt được sự phát triển hoàn chỉnh.\nTrong nửa sau của chu kì kinh nguyệt đặc biệt là ngay trước khi hành kinh một vài ngày, các chị em thường thường cảm thấy hai bầu vú trở nên căng hơn và bị đau tức. Đây cũng là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường mà nguyên nhân là do dưới tác dụng của hormon Progesteron, các tuyến vú mở rộng hơn và to lên. Hiện tượng này sẽ hết sau khi sạch kinh mà không cần phải điều trị gì.\nTrong giai đoạn có thai, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi lớn về hormon, chính sự thay đổi này làm cho nhu mô tuyến vú và hệ thống ống tuyến sữa phát triển mạnh và hai bầu vú tăng lên nhanh về kích thước do đó cũng gây ra hiện tượng đau tức, khó chịu. Hiện tượng này càng rõ rệt hơn trong những tháng cuối của thai kì, khi tuyến vú bắt đầu tiết sữa non. \nTrong giai đoạn cho con bú, sữa về nhiều hai bầu vú trở nên căng tức và khó chịu hơn rất nhiều và nếu không cho bé bú đầy đủ và đúng cách có thể gây viêm tắc tia sữa.\nTrước một tình trạng vú bị nhức như của em, ngoài các trường hợp đau nhức sinh lý như ở trên cần phải nghĩ tới các bệnh lý thực thể, có thể là bệnh lý tại vú, tại lồng ngực hoặc bệnh lý của tim hay hệ hô hấp.\nCác bệnh lý của tuyến vú có thể là bệnh lành tính hoặc bệnh có tính chất ác tính. Các bệnh lành tính như: u xơ tuyến vú, viêm tuyến vú, viêm tắc tia sữa ở phụ nữ đang cho con bú,…U xơ tuyến vú thường đau ít, các chị em có thể tự phát hiện được qua tự khám vú hàng ngày. Các bệnh viêm nhiễm ngoài triệu chứng đau thường kèm theo biểu hiện sưng, nóng, đỏ, có thể có sốt. Tùy từng bệnh mà có hướng điều trị khác nhau.\nBệnh lý ác tính của tuyến vú có thể gặp là bệnh ung thư vú. Để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư vú, chị em phụ nữ nên tự khám vú hàng ngày để phát hiện các bất thường và nên đi chụp vú định kì 6 tháng một lần đối với phụ nữ từ 35 tuổi trở nên. Những phụ nữ có bà, mẹ hay chị, em trong gia đình bị ung thư vú càng phải chú ý khám phụ khoa định kì đầy đủ để kiểm tra.\nTình trạng đau nhức vùng ngực còn có thể do các chấn thương vào vùng ngực, lưng. Các chấn thương nhẹ có thể chỉ gây tổn thương phần mềm nhưng với các chấn thương mạnh có thể gây tổn thương các xương lồng ngực.\nHoặc triệu chứng đau nhức vùng ngực có thể là biểu hiện của các bệnh lý tim mạch. Một số bệnh lý thường gặp như: bệnh co thắt mạch vành, hẹp mạch vành, các dị tật bẩm sinh ở tim,…\nHoặc đau nhức ngực có thể là triệu chứng của bệnh viêm nhiễm cấp tính hay mãn tính của đường hô hấp,…
Trường hợp bạn gái của bạn nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và điều trị
Thân ái