Chào bạn,
Đau bụng dưới (vùng hạ vị ) ở phụ nữ, không phải lúc nào cũng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Ngoài việc chú ý đến tính chất của cơn đau như: vị trí, hướng bị đau, đau nhiều hay ít…Bạn cần phải quan tâm đến thời điểm xuất hiện cơn đau. Có một số nguyên nhân gây đau không liên quan đến cơ quan sinh dục và gây khó chịu cho phụ nữ. Vì vậy bạn nên biết rõ những vấn đề này để giúp cho bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Nếu cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ, đó là hiện tượng sinh lý thông thường - do rụng trứng - Chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau, nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa. Khi cơn đau xuất hiện trong lúc hành kinh là do co thắt, xung huyết, liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, đau bụng dưới có thể là tín hiệu báo động của các bệnh như viêm ruột thừa. Đối với phụ nữ cao tuổi, ruột thừa thường có thể ở rất thấp trong khi khung chậu có các cơn đau giống như đau cơ quan sinh dục. Lúc này, việc chuẩn đoán khó khăn hơn vì bác sỹ cần khám tỉ mỉ, hội chứng đau thường xuất hiện với rối loạn tiêu hoá như: táo bón lâu ngày và không chịu thuốc, khó tiêu, chướng hơi, sôi bụng.... Khi thấy các triệu chứng đau, dù đau nhiều hay ít, dù sốt hay không, bạn cũng nên đi khám ngay. Không nên dùng kháng sinh hay bất kỳ thuốc giảm đau nào khác một cách tuỳ tiện, vì việc đó sẽ làm giảm khả năng phát hiện triệu chứng bệnh viêm ruột thừa.
Ngoài ra một bệnh khá nguy hiểm với phụ nữ là viêm vòi trứng. Bệnh nhiễm trùng do các mầm bệnh gây ra và lây truyền theo đường sinh dục. Vi sinh vật có thể chui qua màng lọc, làm viêm ống dẫn trứng làm viêm nhiễm một hoặc hai ống dẫn trứng, thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa các vòng kinh, sốt và có khí hư. Việc chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng cẩn thận, lấy bệnh phẩm âm đạo, xét nghiệm máu, khi đã xác định được vi khuẩn gây bệnh thì dùng kháng sinh trong hai, ba tuần sẽ khỏi mà không để lại di chứng, bên cạnh đó người chồng cũng được điều trị như vậy. Nếu không điều trị tận gốc, các tổn thương có thể gây ra vô sinh hoặc có thai ngoài tử cung.
Nếu như thời điểm xuất hiện đau không xác định được là trước, giữa hay sau lúc hành kinh, không đau do giao hợp, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn (ra khí hư) thì đau bụng dưới có thể do tử cung ở vị trí bất thường.
Đau bụng dưới ở phụ nữ có thể liên quan đến nhiều chứng bệnh khác nhau. Do đó, trong trường hợp gặp các cơn đau này, bạn hãy sớm đi khám ở các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và có kế hoạch điều trị dứt điểm và kịp thời. Cần lưu ý là các bạn không được tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị. Cần phải có xác định chính xác của bác sĩ thì việc điều trị mới đúng và hiệu quả.