Chào em,\nKinh nguyệt là dấu hiệu cho thấy trẻ gái bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Và các biểu hiện tiếp theo đó là da mịn màng hơn, vú phát triển, vòng eo thon, hông nở, mọc lông mu, lông nách, bộ máy sinh sản bắt đầu hoạt động. Như vậy theo như em mô tả em đã bước sang tuổi 16 mà vẫn chưa có kinh nguyệt mặc dù chiều cao vẫn phát triển bình thường cho thấy em bị dậy thì muộn vì bình thường trẻ gái bắt đầu dậy thì từ 9 đến 13-15 tuổi. \nKhi bị dậy thì muộn, thông thường cha mẹ và trẻ có thể sẽ lo lắng, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này. Tuy nhiên, em cũng không nên quá lo lắng vì nhìn chung, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn gái sau này. Sau khi dậy thì, có thể bạn gái sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Vấn đề là em cần biết điều này để có cách ứng xử phù hợp, chia sẻ với mẹ hoặc người thân để có thể tìm hướng giải quyết. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra dậy thì muộn:\nDo di truyền: Nếu trong gia đình em có cha mẹ, chú bác, cô, dì, anh em, chị em, hoặc anh em họ cũng phát triển muộn hơn bình thường thì em cũng có thể bị dậy thì muộn. Trường hợp này không cần điều trị, em sẽ dậy thì nhưng chỉ có điều là muộn hơn bình thường một chút thôi.\nDo các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh thận, hen, thậm chí có thể sẽ chỉ dậy thì khi đã nhiều tuổi vì bệnh tật có thể làm cho các cơ quan trong cơ thể phát triển khó hơn.\nDo chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Suy dinh dưỡng dẫn đến không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng có thể làm cho dậy thì muộn hơn những người cùng tuổi có chế độ ăn uống tốt, khỏe mạnh, cân đối. Trạng thái chán ăn, rối loạn ăn uống, thường xuyên giảm cân rất nhiều sẽ làm cho cơ thể không thể phát triển được.\nTuyến giáp: Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra vì các vấn đề trong các tuyến yên hoặc tuyến giáp. Các tuyến sản xuất hormon quan trọng cho sự tăng trưởng cơ thể và phát triển.\nVấn đề nhiễm sắc thể: Một số trẻ cũng có thể không dậy thì bình thường vì có vấn đề với nhiễm sắc thể. Vấn đề này có thể gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng bình thường. Điều này có thể làm chậm sự phát triển của bộ phận sinh dục. \nTrường hợp của em, với chiều cao và cân nặng như em mô tả có thể tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của em khoảng 18,2. Như vậy tình trạng dinh dưỡng của em đang ở mức thiếu cân theo Chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Đối chiếu với các nguyên nhân như trên, với tình trạng dinh dưỡng thiếu cân cũng có khả năng là nguyên nhân khiến em dậy thì muộn. Vì vậy, trước khi đi khám để xác định các nguyên nhân, em cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Chế độ ăn uống đầy đủ giúp cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tăng trưởng như các chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa và các chế phẩm sữa); chất béo (dầu ăn, mỡ), vitamin và chất khoáng (các loại rau xanh và quả chín). Chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, cua, đậu đỗ, đậu tương, bí đao, cần tây. Em cũng có thể bổ sung các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật như gan, tim, thịt, cá… và các loại đậu đỗ, rau dền. Kẽm có trong con hàu, gan heo, thịt bò, sữa, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành…Ngủ đủ và ngủ sâu ít nhất 8 giờ/đêm và buổi trưa khoảng 1 giờ vì chính trong lúc ngủ sâu giúp kích thích các yếu tố tăng trưởng. Em hãy tập luyện nhẹ nhàng thường xuyên một môn thể thao tăng cường sức khỏe.\nCuối cùng, nếu vẫn chưa có dấu hiệu dậy thì em nên tới bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được xác định và điều trị kịp thời. Nếu em chỉ dậy thì chậm đơn thuần, không mắc các bệnh làm ảnh hưởng tới quá trình dậy thì thì nên bình tĩnh, kiên trì chờ. \nChúc em mạnh khỏe.