Chào bạn,
Bạn đừng quá lo lắng, trường hợp của khả năng lây nhiễm cũng không cao. Hiện nay y học đã tìm ra phương pháp điều trị làm giảm tỷ lệ chuyển từ phơi nhiễm sang lây nhiễm HIV nhờ thuốc kháng virus. Đây gọi là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post exposure prophylaxis – PEP).
Quy trình xử lý khi bị phơi nhiễm HIV như sau:
Khi bị phơi nhiễm, việc xử trí ban đầu tại chỗ rất cần thiết, sau đó là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Cụ thể, quy trình xử trí khi bị phơi nhiễm gồm:
- Bình tĩnh, lấy các dụng cụ gây tổn thương ra khỏi cơ thể và cầm máu. Rửa trực tiếp vết thương dưới vòi nước sạch trong ít nhất 5 phút nhằm gột rửa bớt phần máu và dịch tiết dây nhiễm lên vết thương. Sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn và băng vết thương bằng gạc, băng cuộn hay băng keo cá nhân.
- Nếu bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi, cần rửa mắt, mũi liên tục bằng nước sạch hay nước muối sinh lý (chai nhỏ mắt chứa Nacl 0.9%) trong 5 phút, bằng cách chớp mắt, ngâm khịt mũi trong ca nước sạch. Nếu bị bắn vào môi, miệng, nên súc miệng bằng nước sạch trong 5 phút.
- Trường hợp bị vật nhọn đâm, tuyệt đối không nặn máu. Thay vào đó, hãy rửa vết thương bằng nước sạch và nhanh chóng đến cơ sở y tế.
Có 2 hình thức phơi nhiễm HIV đó là
Nên nhớ không phải mọi sự cố liên quan HIV đều có thể gây phơi nhiễm. Với bệnh này, 2 tình huống phơi nhiễm được kể đến nhiều nhất là đường máu và quan hệ tình dục.
- Đường máu: Khi một người bị đâm bởi vật nhọn có dính máu tươi, bị bắn dịch tiết hoặc máu tươi của người có HIV vào niêm mạc mắt, vết thương trên người, thì xem như trong tình trạng phơi nhiễm HIV, nghĩa là có khả năng nhiễm HIV.
- Đường tình dục: Khi quan hệ không sử dụng bao cao su, hay có dùng nhưng bao bị rách, tuột, cũng được xem là đã phơi nhiễm với HIV.
Do tính chất âm thầm và khó nhận biết việc một người đã mắc HIV hay chưa, nên khái niệm phơi nhiễm ở đây không đòi hỏi phải xác minh rằng nguồn gây phơi nhiễm có thực sự đã mắc bệnh hay chưa. Chỉ cần có hành vi nguy cơ và tiếp xúc kể trên đều được xem là đã phơi nhiễm.
Trong các tình huống phơi nhiễm kể trên đều cần đến cơ sở y tế để được điều trị PEP. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho hiệu quả bảo vệ rất cao, lên đến 90-95% trong vài giờ đầu, và duy trì hiệu quả trong khoảng 72 giờ tính từ thời điểm phơi nhiễm.
Hiệu quả của điều trị dự phòng sau phơi nhiễm sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế và tham gia điều trị càng sớm càng tốt. Không nên chờ đợi quá thời gian cho phép là 72 giờ.
Chúc bạn sức khỏe!