Chào bạn, Bình thường, nhu động thực quản, dạ dày, ruột theo hướng phía dưới và hơi được tống ra qua hậu môn. Ở người bình thường, khi ăn, cơ thực quản dưới giãn ra, hơi theo thức ăn xuống dạ dày. Ở người bị bệnh, hơi bị tống ngược lên do cơ thắt thực quản dưới bị giãn, từ dạ dày qua thực quản ra miệng. Có một số thức ăn làm lỗ thực quản dưới đóng không kín (như hành, khoai tây, bạc hà…) dễ gây ợ hơi. Hiện tượng đầy vùng thượng vị sau ăn, chướng hơi, ợ hơi được gọi là hội chứng Magenblase.
Hiện tượng chướng hơi ở vùng thượng vị thường là do nuốt hơi trong lúc ăn, đặc biệt là khi uống nước. Khi nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, hoặc miệng bị kích thích tăng tiết nước bọt cũng làm nuốt hơi tăng lên. Ở người lo âu, căng thẳng, cơ thực quản trên giãn ra, áp suất lồng ngực giảm xuống, hơi được hít vào theo thực quản, dạ dày. Hiện tượng ợ hơi còn gặp trong bệnh trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh phổi, viêm túi mật. Hiện tượng ợ hơi kéo dài nhiều ngày thường do giãn cơ thực quản dưới và hay gặp ở người sau mổ thực quản. Có người ợ hơi nhiều đến mức gặp khó khăn trong ăn uống hoặc khi nói chuyện.
Dưới đây là sáu cách để ngừa chứng ợ hơi và sình bụng:
1. Ăn chậm rãi. Nếu bạn thường xuyên ợ hơi và sình bụng thì nên tránh nhai kẹo cao su và uống nước có gas, hút thuốc lá...
2. Điều trị chứng táo bón.
3. Tránh ăn nhiều thức ăn khó tiêu như cải bắp, cải bruxen, các loại đậu, đậu lăng, bơ sữa.
4. Tránh ăn quá nhiều chất xơ hay thức ăn chứa sorbitol và đường fructose. Trong công thức pha chế của một số loại nước uống, thức ăn có chứa sorbitol để tạo vị ngọt hoặc có trong hoa quả.
5. Có thể dùng một số thuốc chống đầy hơi...
6. Nếu bạn ợ hơi thường xuyên thì đề phòng bệnh trào ngược từ dạ dày lên thực quản, với bệnh này cần được điều trị ngay.\nTrường hợp nếu bạn bị chứng ợ hơi kéo dài, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân, từ đó mới có hướng điều trị tích cực.\nChúc bạn sức khoẻ.