Chào bạn,
Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của nữ giới thông qua những dấu hiệu như: khí hư, chu kỳ hành kinh, màu sắc kinh nguyệt,…Có một số chị em làm đủ cách để mong chu kỳ kinh nguyệt của mình không bị rối loạn. Ngược lại, trong một số trường hợp cụ thể, nữ giới lại mong đình chỉ kinh nguyệt của mình. Đây là một trong những phương pháp ít được áp dụng, có thể gây một số tác dụng phụ. Do đó, để việc đình chỉ kinh nguyệt không ảnh hưởng tới sức khỏe, chị em cần có những kiến thức nhất định về vấn đề này.
Đình chỉ kinh nguyệt là phương pháp dùng thuốc uống giúp đẩy lùi thời gian hành kinh hoặc khiến mình không còn hành kinh trong khoảng vài tuần, vài tháng, đến vài năm, thậm chí mất hẳn. Nguyên nhân của việc làm này có thể là do điều trị lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, hay vì mục đích tôn giáo, vì phải đi xa…
Hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể đình chỉ kinh nguyệt trong một thời gian cố định, tuy nhiên phương pháp được nhiều người sử dụng nhất vẫn là sử dụng thuốc tránh thai. Để việc đình chỉ kinh nguyệt không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em phụ nữ, có một số khuyến cáo cho chị em như sau:\n-Thuốc tránh thai không phải bất cứ ai cũng có thể sử dụng được. Thuốc chống chỉ định với những trường hợp nữ giới bị bệnh nghẽn tắc tĩnh mạch, mạch máu não, mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp, nhức đầu, nghi ngờ ung thư vú, bệnh gan, tiểu đường…Nữ giới nếu mắc những bệnh trên tuyệt đối không nên sử dụng thuốc tránh thai để đình chỉ kinh nguyệt vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
-Một số chị em phụ nữ do không thể chịu đựng được triệu chứng đau bụng kinh trước và trong lúc hành kinh, (do bệnh lạc nội mạc tử cung) nên muốn sử dụng thuốc tránh thai để đình chỉ kinh nguyệt. Những trường hợp này nên suy nghĩ kĩ trước khi quyết định. Đình chỉ kinh nguyệt trong những trường hợp này có thật sự cần thiết không?
-Chị em cũng cần biết rõ về các tác dụng phụ có thể gặp khi đình chỉ kinh nguyệt bằng thuốc như rong huyết, giảm khẩu vị, buồn nôn, nhức đầu, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virus…
-Quan trọng nhất là chị em phụ nữ không nên tự quyết định đình chỉ kinh nguyệt khi chưa khám bệnh và được bác sĩ tư vấn. Ở mỗi người, cơ địa, sức khỏe là khác nhau do đó việc dùng thuốc là không giống nhau. Hơn nữa, đình chỉ kinh nguyệt bằng thuốc phá thai đôi khi gặp nhiều rủi ro, do đó việc nhờ tới tư vấn của bác sĩ luôn là điều cần thiết.
Chúc em sức khỏe.