Sản Phụ Khoa

Chào bác sĩ thường phụ nữ mang thai khi có túi thai là mấy tuần vậy bs ? Va giữa sinh va phẩu thuật cái nao sẽ tốt cho em bé và mẹ xin bs cho e lời khuyên

Lê thị phương linh

(2013/12/27 00:20)

Chào em,
- Túi thai: qua siêu âm đầu dò âm đạo, có thể thấy túi thai từ ngày thứ 17 sau thụ tinh với đường kính 2-3mm, siêu âm bụng thì thấy trễ hơn, có thể thấy túi thai rõ rệt từ 5-6 tuần trễ kinh.
- Yolk sac hay túi noãn hoàng: là cấu trúc đầu tiên có nguồn gốc phôi, nhìn thấy qua siêu âm từ tuần thứ năm trở đi, khi nhìn thấy được túi này là có phát triển phôi, kích thước tăng 3-5mm.
- Phôi thai và tim thai: nhìn thấy được khi tuổi thai 6 – 6,5 tuần, phôi có thể nhìn thấy từ kích thước 2mm trở đi, hoạt động tim thai phải được nhìn thấy khi phôi có chiều dài từ 5mm trở lên, nếu phôi thai 5mm mà không có tim thai thì xem như thai ngưng phát triển.\n Trường hợp của em để biết rõ em có thai không, em cần làm thêm xét nghiệm máu mới có chẩn đoán chính xác và siêu âm kiểm tra lại sau 1 tuần.
Về vấn đề sinh thường hay sinh mổ thì mỗi phương pháp sinh đều có những ưu và nhược điểm riêng. Vì thế đòi hỏi sản phụ và người thân phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn phương pháp nào.
Chẳng hạn, sinh thường có ưu điểm diễn tiến tự nhiên, thời gian nằm viện hậu sản ngắn, chi phí thấp, mẹ không đau nhiều sau sinh nên chăm sóc bé tốt và cho con bú sớm hơn. Sản phụ sinh thường thì sản dịch thoát tốt hơn nên ít bị viêm nội mạc tử cung, không bị dị ứng gây tê, gây mê và nguy cơ từ phẫu thuật: nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan trong bụng như ruột, bàng quang. Tuy nhiên nhược điểm là nguy cơ suy thai, nhất là trong những trường hợp có dây rốn quấn cổ hoặc dây rốn thắt nút, dây rốn sa bên, nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết sau sinh do chuyển dạ kéo dài. Vì thế đòi hỏi phải theo dõi thật sát tiến trình chuyển dạ sinh.
Còn đối với sinh mổ có thể chủ động về ngày giờ, ít gặp nguy cơ suy thai khi mổ chủ động. Do đó những trường hợp sinh con "quý" như thụ tinh ống nghiệm, lâu ngày mới có con, mẹ trên 40 tuổi mới có con đầu lòng thì thường được chỉ định mổ chủ động. Phương pháp này cũng có nhược điểm là nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, chi phí nhiều (gấp 4, 5 lần sinh thường), đau nhiều sau sinh, mệt mỏi, dễ bị bế sản dịch gây viêm nội mạc tử cung, nguy cơ dị ứng thuốc tê, thuốc mê, phẫu thuật, nguy cơ nứt sẹo mổ cũ khi mang thai lần kế tiếp. Vì thế nên mổ ở bệnh viện có chuyên môn cao và phẫu thuật viên có kỹ năng mổ lấy thai.
Vì thế để giảm thiểu rủi ro, ngay từ giai đoạn trước khi mang thai, chị em cần phải chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe nói chung, tiêm ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mang thai cần khám thai định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định bác sĩ. Trong quá trình theo dõi sự phát triển thai nhi, các bác sĩ sẽ đánh giá và tiên lượng cuộc sinh: Nên sinh thường hay sinh mổ, nên sinh ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan