Chào bạn,
Trong thời kỳ mang thai là lúc sức đề kháng cơ thể người mẹ giảm sút hơn bình thường, hơn nữa dưới tác động của các hôcmon thai nghén, những biến đổi về sinh lý trong thời kỳ mang thai làm cho cơ thể người phụ nữ thường nhạy cảm hơn với các yếu tố tác động của môi trường bên ngoài. Do đó cơ thể rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đặc biệt viêm nhiễm đường hô hấp.
Khi bị ho trong thời kỳ mang thai cần chú ý những vấn đề sau:
- Không nên tự ý uống thuốc, đặc biệt trong những tháng đầu và khi chưa có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Nếu ho thông thường, không có sốt, khạc đờm, không đau ngực, không khó thở …thì không cần uống thuốc. Có thể dùng các bài thuốc dân gian trị ho như: Quât hấp mật ong, ngậm chút gừng tươi, lá hẹ hấp đường phèn, lá rẻ quạt ngậm và xúc họng, uống nhiều nước cam, uống thêm vitamin C, tăng cường nghỉ ngơi, tránh gió, lạnh, ẩm…
- Nếu ho kéo dài trên 3 tuần không đỡ, hoặc ho nhiều có sốt, khạc đờm có màu xanh, vàng, kèm đau ngực…nhất thiết nên đi khám để phát hiện các bệnh như viêm phế quản, lao…để được điều trị kịp thời.
- Đơn thuốc bác sĩ cho bạn dùng trong thời kỳ có thai là đã được cân nhắc hết sức cẩn thận về lợi ích điều trị cũng như tính an toàn cho thai nhi vì thể bạn nên tuân thủ để đạt hiệu quả điều trị tốt.
- Trong lúc có thai, không nên tiếp xúc tại chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc với trẻ em dưới 6 tháng tuổi để phòng ngừa nhiễm virut cúm, Rubella…Luôn giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm, tránh bị nhiễm lạnh, nhiễm mưa.
- Chú ý ăn uống tăng cường, nghỉ ngơi đầy đủ và hạn chế các căng thẳng thần kinh không cần thiết để giúp thai nhi phát triển tốt cũng như sức khoẻ của bạn mau hồi phục.
Nếu ho không kèm sốt thì có thể đó là ho do cảm cúm thông thường. Tuy nhiên bạn vẫn nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra và điều trị. Ho nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn và thai nhi.
Chúc bạn có thai kỳ khỏe mạnh.