Sốt xuất huyết

Bác sĩ ơi cho tôi hỏi. Tôi có một bé gái học lớp hai, gia đình tôi hiện đang sinh sống ở Tp.HCM. Gần tháng nay thành phố mưa bão, nhà tôi lại ở khu trũng thấp nên bị ngập thường xuyên. Tôi có đọc báo thấy có rất nhiều ca trẻ bị sốt xuất huyết nên rất hoang mang. Vậy xin hỏi bác sĩ cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết và cách xử lý kịp thời tại nhà ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Lê Minh Thu

(2016/10/24 21:13)

Chào chị. Hiện nay dịch sốt xuất huyết ở thành phố đang diễn biến rất nguy hiểm nên mong chị và gia đình lưu ý phòng tránh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có 1 sô biểu hiện như sau: + Đối với trẻ nhỏ: Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ + Có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da + Chảy máu cam + Nôn mửa + Đi ngoài ra máu +Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết. Tại nhà, nếu thấy cháu có biểu hiện sốt, chị nên kịp thời đưa cháu vào viện để các bác sĩ có thể điều trị kịp thời. Trong quá tirnh đó, khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy chúng ta nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày. Tất cả các loại nước mà trẻ thích đều dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước suối, nước sôi để nguội. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán. Không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu vì sẽ khó nhận biết giữa chảy máu ở bao tử có màu nâu đỏ và nước trái cây khi trẻ có nôn ói. Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hoá. Một điều khác chị cần lưu ý là 5 dấu hiệu trở nặng ở trẻ, nên thường xuyên quan sát để nhận biết ngay là : Lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh. Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện gần nhất. Thực tế trong những trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, các bà mẹ hay bỏ qua, tưởng cháu bị đau bao tử hay ăn không tiêu nên tiếp tục để tại nhà, khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, điều trị khó khăn vô cùng. Chúc chị và gia đình mạnh khỏe.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan