Chào bạn
Đối với những bà mẹ đã từng bị thủy đậu trước đó hoặc đã tiêm chủng ngừa bệnh thì có khả năng miễn dịch với bệnh này bởi trong cơ thể họ đã có kháng thể chống lại bệnh, nên những biến chứng hay ảnh hưởng hầu như không xảy ra với cả mẹ và bé..
Nếu chưa được tiêm phòng thủy đậu thì vợ bạn mắc bệnh thủy đậu được gọi là nguyên phát. Bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai có sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đọan tuổi thai:
- Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh (sẹo ở da) chỉ là 0,4 % thôi. Và những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
- Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
- Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm.
Trường hợp của vợ bạn, điều cần thiết hiện nay nhất là bạn nên đưa vợ đi điều trị bệnh thủy đậu theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc khoa truyền nhiễm để trị bệnh, thăm khám thai để theo dõi sự hình thành, phát triển của thai nhi định kỳ dưới sự giám sát của bác sĩ để có những hướng dẫn xử trí trực tiếp trong suốt quá trình mang thai. Để bệnh mau khỏi, vợ bạn nên ở phòng sạch sẽ, thoáng mát, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đủ chất, nhiều vitamin, thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, giữ vệ sinh cá nhân, giữ da khô sạch, hạn chế gãi, tránh làm vỡ các bọng nước để tránh nguy cơ bội nhiễm......