Sản Phụ Khoa

cháu năm nay 15 tuổi, có kinh từ lúc 13 tuổi,4 tháng nay kinh nguyệt của cháu không đều.cháu còn bị phồng bụng dưới trái và hơi tức.cháu có bị làm sao ko ạ?

trần thị hà

(2015/11/16 03:45)

Đau bụng dưới (hạ vị) ở phụ nữ thường do nhiều nguyên nhân. Ngoài việc chú ý đến tính chất của đau (vị trí, hướng lan tỏa, đau nhiều ít...), người bệnh cần quan tâm đến thời điểm xuất hiện cơn đau, bởi thông tin này giúp ích nhiều cho việc tìm ra nguyên nhân.
Các cơn đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
- Cơn đau xuất hiện trong lúc hành kinh: Đó là cơn đau do co thắt, xung huyết, liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung. Có thể điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc thuốc chống co thắt cơ như Phloroglucinol (spasfon) hoặc dùng các thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thụ thai đường uống theo đơn của bác sĩ.
- Cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ: Đó là cơn đau bụng dưới do rụng trứng, là hiện tượng sinh lý thông thường. Đôi khi cơn đau này kèm với rong huyết (máu rỉ từ âm đạo), thường gọi là “hành kinh ngày thứ 15”. Chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau, nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.
- Đau xuất hiện trước khi hành kinh là một dấu hiệu "hội chứng trước kỳ kinh". Đau kèm với căng tức vú, tăng cân nhẹ, cảm giác bụng to ra, đau bàng quang, đôi khi nhức nửa đầu, tính tình trở nên nóng nảy, dễ bực dọc. Nguyên nhân của hội chứng này là sau khi trứng rụng, có sự giảm tiết progesteron, một hormon có vai trò chuẩn bị niêm mạc để trứng được thụ tinh làm tổ và giúp cho trứng phát triển. Các triệu chứng kể trên đều mất đi khi bắt đầu hành kinh.
- Cơn đau xuất hiện sau khi hành kinh: Phải nghĩ ngay đến bệnh lạc màng trong của tử cung. Trong lòng tử cung có xuất hiện lạc chỗ các mô (bình thường ở trong thành của tử cung) như các ống tuyến, mô liên kết và một số sợi cơ trơn. Cơn đau này thường xuất hiện ở các phụ nữ trẻ, đôi khi ở những người không có khả năng sinh đẻ.
- Cơn đau xuất hiện trước khi hành kinh (hay đôi khi trong lúc rụng trứng) và chỉ mất đi ở cuối kỳ kinh nguyệt. Đó là cơn đau trong bệnh loạn dưỡng buồng trứng. Bệnh này gây nên những biến đổi chức năng của buồng trứng, làm rối loạn hiện tượng tiết hormon. Dựa vào tính chất xuất hiện và mất đi ở cơn đau, kết hợp với khám lâm sàng, bác sĩ có thể xác định được bệnh này.
Đau không liên quan đến chu kỳ
- Cơn đau xuất hiện sau khi bệnh nhân được làm một số thủ thuật chuyên khoa, chẳng hạn làm đông máu bằng điện cao tần ở cổ tử cung hoặc sinh thiết, lấy một mẩu mô quanh tuyến ở cổ tử cung để khảo sát các tế bào ở lớp niêm mạc. Ở các trường hợp này, đau thường kém rối loạn kinh nguyệt (bởi cổ tử cung bị hẹp do các thủ thuật trên).
- Cơn đau xuất hiện do quan hệ nam nữ: Đó là đau do giao hợp, thường khó phân biệt do nhân tố tâm lý hay do tổn thương ở bộ phận sinh dục ngoài của nữ. Thường nghĩ nhiều đến nhân tố tâm lý (không thích thú, sợ, bị cưỡng ép) khi đau xuất hiện sớm, ngay khi chỉ mới bắt đầu. Nếu đau ở nông thì có thể do tổn thương thực thể, ví dụ như người phụ nữ vừa mới làm thủ thuật mở rộng lỗ âm hộ để dễ dàng sinh con; hoặc ở bệnh viêm âm đạo - âm hộ do nấm; hoặc ở trường hợp teo tử cung sau mãn kinh... Quan hệ nam nữ có thể hoàn toàn không thực hiện được nếu bị viêm âm đạo bởi các cơ khép lỗ âm hộ đã co thắt hẹp lại.
- Sau khi sinh con có thể đau dữ dội, ở sâu, thuộc vùng bụng dưới. Đó là trường hợp tử cung bị gập ra phía sau, cổ tử cung di động, bởi màng bụng bị rách sau khi sinh. Khám sản khoa sẽ xác định được nguyên nhân này.
- Do nhiễm khuẩn ở bộ phận sinh dục phía trong (buồng trứng, vòi trứng...). Thường nghĩ đến trường hợp này nếu bệnh nhân đã có lần tiếp xúc với nguồn truyền bệnh hoa liễu. Khám bằng mỏ vịt sẽ thấy mủ rỉ ra từ lỗ tử cung. Bệnh nhân sẽ thấy đau hơn nếu trong khi khám có di chuyển tử cung. Các phần phụ (buồng trứng, vòi trứng) đôi khi tăng kích thước. Cần làm các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các trường hợp đặc biệt cần chú ý
- Nếu như thời điểm xuất hiện đau không xác định được là trước, giữa hay sau lúc hành kinh, không đau do giao hợp, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn (ra khí hư) thì đau bụng dưới có thể do tử cung ở vị trí bất thường (không ở bụng dưới mà cao hơn, thường ở dưới các gai chậu sau trên). Chính trong trường hợp này đau do tử cung lệch lên phía trên khiến dễ chẩn đoán nhầm với đau ở đường tiêu hóa. Cũng do vị trí bất thường của ruột thừa mà khi viêm ruột thừa, bệnh nhân lại thấy đau ở bụng dưới, và nhiều khi tưởng là đau ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, cần chú ý là viêm ruột thừa gây đau đột ngột, có tính chất đặc biệt là tăng nhạy cảm đau, khi sờ vào đau sẽ tăng lên, đau có thể kèm theo sốt, táo bón hay tiêu chảy nhẹ; không có dấu hiệu về tiết niệu hoặc phụ khoa. Viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại khoa, khi nghi ngờ cần đi khám bệnh ngay.
- Bệnh ở cột sống thắt lưng như viêm, thoái hóa đốt sống, viêm khớp cùng chậu... hoàn toàn có thể gây đau ở bụng dưới và thường ở phía sau, có thể nghĩ lầm là đau do bộ phận sinh dục nữ.
- Một điều cần nhấn mạnh là một số lớn các bệnh phụ khoa như tử cung quặt ra sau, u xơ tử cung, u nang buồng trứng... rất ít khi gây đau nếu không có biến chứng (chảy máu, nhiễm khuẩn). Để điều trị không muộn các trường hợp khó nhận biết trên, các bác sĩ phụ khoa thường khuyên chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần.
Như vậy, chúng ta biết rằng khi phụ nữ đau bụng dưới thì có thể liên quan đến nhiều chứng bệnh khác nhau. Do đó, trong trường hợp gặp các cơn đau này, bạn hãy sớm đi khám ở các cơ sở y tế để được các bác sỹ chẩn đoán và có kế hoạch điều trị dứt điểm và kịp thời nhé! Và một điểm cần lưu ý là các bạn không được tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị. Cần phải có xác định chính xác của bác sỹ thì việc điều trị mới đúng và hiệu quả.
Chúc bạn sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan

Sản Phụ Khoa
Có lên giặt riêng quần lót của người bệnh ung thư tử cung?

nguyễn thị linh

(2016/03/16 03:42)