Chào bạn!
Da là một bộ phận có nhiều chức năng, có thể phản ảnh được trạng thái bệnh ở bên trong cơ thể.
Những vết mẩn đỏ, những nốt mụn nhỏ xuất hiện ở một điểm nào đó trên da có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường, của sự suy yếu hệ thống, mạch máu hoặc do da bị nhiễm trùng, do có sự tập luyện về việc trao đổi chất, mà cũng có thể chỉ là do ăn không tiêu hoặc cơ thể không thích ứng với thuốc. Bởi vậy, để hiểu được những dấu hiệu bất thường nổi lên trên da, đôi khi các bác sĩ khám tổng hợp phải gửi bệnh nhân của mình tới các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Việc nhìn kỹ các chỗ da bị tổn thương qua kính lúp là việc làm rất quan trọng đối với các bác sĩ khoa da liễu để phán đoán được căn bệnh có liên quan:
- Những vết đỏ trên da không có bờ, khi kéo căng ra thì mất màu có thể là do sốt phát ban, nếu có thêm hiện tượng ngứa là do dị ứng.
- Nếu kéo căng mà không mất màu, có thể là do sốt xuất huyết.
- Những mụn nổi hoặc có bờ, trong suốt có thể do bỏng, mụn rộp, bệnh Herpès hay zona (giời leo).
- Những vẩy trắng khô là triệu chứng của bệnh ngứa eczéma, nếu ướt là bị viêm da, bệnh ban đỏ, v.v… Ở nước ta còn có một bệnh cực kỳ quan trọng là bệnh phong với những dấu hiệu biểu hiện ban đầu là có mảng da đỏ lên, mất hẳn cảm giác, châm kim vào cũng không thấy đau. Cần được đưa ngay đến các trạm chống bệnh phong để được xác định bệnh và điều trị. Nhiều khi nhìn phần da bị tổn thương, chưa xác định được rõ bệnh. Bác sĩ còn phải lấy mẫu để soi trên kính hiển vi, phải thử máu và làm một số xét nghiệm khác. Nói chung, mọi biểu hiện bất thường tồn tại trên da lâu một vài ngày đều cần phải tới bác sĩ để khám bệnh, nhất là trong trường hợp có kèm theo những hiện tượng như: đau, sốt, rối loạn tiêu hóa, v.v…
Chúc bạn sức khỏe!