Chào em,
Khi bước vào độ tuổi dậy thì (khoảng 10 tuổi) sẽ xuất hiện huyết trắng. Đây là một hiện tượng bình thường nên không phải lo lắng.
Huyết trắng sinh lý như thế nào?
Huyết trắng sinh lý có màu trắng trong, dai, mùi hơi tanh. Huyết trắng sinh lý không gây ngứa, khó chịu hay đau rát. Huyết trắng thay đổi theo từng chu kỳ kinh nguyệt, thường ra nhiều vào trước kỳ kinh và lúc “hưng phấn”.
Huyết trắng sinh lý không phải là bệnh nên không cần uống thuốc hay đi đến bệnh viện. Chỉ cần giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát để tránh vi khuẩn có hại xâm nhập.
Vậy, thế nào là huyết trắng bệnh?
Huyết trắng có mùi hôi, ra nhiều, màu trắng đục/ vàng/ xanh, đóng thành vết trên quần lót, hay đau rát, bỏng ngứa là huyết trắng bệnh lý.
Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị:
Khi số lượng vi khuẩn có hại chiếm số lượng lớn trong âm đạo, vượt quá khả năng phòng vệ của huyết trắng thì gây ra bệnh huyết trắng. Khi có các triệu chứng trên cần đếnh bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách. Không tự ý mua thuốc về sử dụng.
Cụ thể như sau:
Huyết trắng do nấm men (chủ yếu là vi khuẩn Candida albicans) gây ngứa, huyết trắng xuất hiện không nhiều, có màu trắng đục, có mùi hôi vừa, đóng thành từng mảng nhỏ hoặc vón cục. Bệnh này do vệ sinh vùng kín kém, sau khi quan hệ, suy giảm hệ miễn dịch… Dễ tái đi tái lại.
Điều trị: đặt thuốc Miconazole hay Clotrimazole viên 100mg vào âm đạo, đặt từ 3 – 7 đêm. Uống Fluconazole 150mg 1 liều duy nhất, rửa vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Huyết trắng do trùng roi (nhiễm Trichomonas Vaginalis) thường ra nhiều, có màu xanh, vàng, dịch loãng, có bọt, mùi tanh và gây ngứa rát âm hộ.
Điều trị:
- Fasigyl (Tinidazole ) uống 2 g (4 viên) liều duy nhất, với trẻ em dùng liều 50 – 70mg/ kg cân nặng, uống liều duy nhất.
- Flagentyl (Secnidazole) uống 2g (4 viên) liều duy nhất.
- Rửa âm hộ bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Huyết trắng do nhiễm tạp trùng có màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi. Bệnh thường xuất hiện sau khi quan hệ hoặc do thao tác thụt rửa vào sâu trong âm đạo.
Điều trị:
- Metronidazol 500mg uống 2 lần/ngày, uống trong 7 ngày hoặc uống Metronidazole 2g liều duy nhất.
- Rửa âm hộ bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Những biện pháp phòng bệnh:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi ngày, đặc biệt vào những ngày hành kinh.
- Không lạm dụng dung dịch vệ sinh nhiều lần vì có thể làm thay đổi độ pH.
- Không thụt rửa sâu vào trong âm đạo.
- Nên thay quần lót nhiều lần trong ngày, không mặc quần ẩm ướt, bó sát, vải dày.
- Phơi quần lót ngoài ánh nắng và nên ủi quần lót để diệt vi khuẩn.
- Thay băng vệ sinh mỗi 4 tiếng vào những ngày hành kinh, hạn chế mang băng hằng ngày.
Thực phẩm kiêng ăn trong những ngày “đèn đỏ”
- Không nên ăn đồ lạnh (đá lạnh, ướp lạnh) và các thực phẩm có tính hàn như các loại hải sản, cà, mướp, bí đao… sẽ làm cho máu huyết lưu thông không tốt gây đau bụng kinh và dễ tiêu chảy.
- Thực phẩm có tính chua, chát, cay, nóng: các loại trái cây chua như mơ, me, xoài… trái cây chưa chín, các loại gia vị cay để tránh hiện tượng máu kinh không lưu thông, tắc nghẽn gây đau bụng.
- Thức uống như cà phê, bia rượu… làm tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt. Không nên uống vào những ngày đèn đỏ.
- Không nên ăn rau sống, gỏi, nộm sống… dễ gây đau bụng kinh và tiêu chảy.
Đến kỳ kinh nguyệt, các bạn nữ cần chú ý:
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, trung bình 4 tiếng thay băng vệ sinh 1 lần.
- Không tắm bằng nước lạnh, không tắm quá lâu, ngâm mình trong bồn tắm.
- Hạn chế vận động mạnh, không quan hệ trong ngày “đèn đỏ”…
Chúc em sức khỏe