Chào bạn
- Cũng giống như bệnh giang mai ở cơ quan sinh dục hay bộ phận nào trên cơ thể, bệnh giang mai ở miệng sau thời gian ủ bệnh từ 10-90 ngày sẽ xuất hiện những vết loét hay còn gọi là săng giang mai. Những vết loét này thường mờ, nông, có thể là hình tròn hoặc hình bầu dục với kích thước từ 0.3-2cm, không gây ngứa, không đau và không có mũ. Những vết loét này mọc khắp miệng, có thể mọc trên môi, trong lưỡi hoặc nằm sâu trong amidan và có triệu chứng giang mai ở miệng như đau họng kéo dài làm cho người bệnh lầm tưởng là bị nhiệt miệng hay bị viêm amidan. Ngoài ra, người bệnh còn thấy lưỡi có bọt trắng đục, nói không rõ tiếng và cảm thấy khó chịu. Sức khỏe và cân nặng giảm sút do không ăn uống được.
- Nhiệt miệng là tên gọi theo dân gian, đây là bệnh viêm loét niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhiệt miệng tuy không nguy hiểm nhưng gây đau đớn, khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt. Nhiệt miệng là bệnh lành tính, vết lở tự lành, không để lại sẹo. Tuy nhiên, việc chịu đựng từ lúc miệng bắt đầu lở và đau đến lúc vết lở lành là một quá trình khá khó khăn, có thể gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em.
Nhiệt miệng có nhiều thể khác nhau, nhưng triệu chứng bắt đầu thường từ sự xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1 - 2mm, đốm trắng to dần hơi mọng nước. Khi vỡ, chúng để lại một vết lở nông ở niêm mạc miệng, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 2 đến 10 mm, bờ rõ rệt, đáy màu vàng nhạt, xung quanh có một đường viền màu đỏ tươi, rất đau lúc nói hoặc khi ăn uống. Nếu không có biến chứng vết loét tự lành sau 10 – 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự. Biểu hiện tại chỗ thường là các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét trong miệng, có thể là những áp xe ở nông như áp xe dưới lưỡi, dưới niêm mạc, áp xe tiền đình trên hay dưới, nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng. Khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, ở trẻ nhỏ có thể sốt cao, nổi hạch góc hàm, ăn uống khó khăn.
Vì vậy, nếu có nghi ngờ bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm nhé.