Chào bạn, Dạ dày là nơi phình to nhất trong hệ thống đường tiêu hóa của con người, nó nối phần cuối thực quản với phần đầu ruột non (tá tràng). Dạ dày có hình dạng chữ J, được chia làm nhiều phần, bắt đầu từ tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và tận cùng là môn vị. Dạ dày có 2 bờ là bờ cong lớn và bờ cong nhỏ. Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là chẩn đoán chung dựa trên thăm khám lâm sàng, qua nội soi sẽ thấy rõ vị trí tổn thương nằm ở đoạn nào của dạ dày và tình trạng, mức độ tổn thương…Tùy theo hình ảnh nội soi mà viêm dạ dày có 7 thể bao gồm viêm dạ dày trợt lồi, viêm dạ dày trợt phẳng, viêm dạ dày phì đại, viêm teo dạ dày, viêm dạ dày trào ngược dịch mật, viêm dạ dày xuất huyết và viêm dạ dày xung huyết.
Viêm hang vị xung huyết là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm dãn nở do ứ máu nhiều. Thường xuất hiện sau khi dùng rượu, bia, hóa chất, thuốc (nhất là các thuốc giảm đau chống viêm không streroid), các chất kích thích như cà phê, ớt… Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
Bạn không cho biết có bị nhiễm vi trùng HP (Helicobacter Pylori) không, nếu có thì phải dùng kháng sinh diệt vi trùng. Ngoài ra, cần sử dụng thêm các thuốc băng niêm mạc dạ dày, trung hòa dịch vị, nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày như bác sĩ đã kê. Do đó, bạn nên đi khám lại để xét nghiệm xem có vi khuẩn HP không? Nếu không thì chỉ cần các thuốc như bác sĩ kê cho bạn.
Bạn nên khám ở bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị thích hợp nhé. Bên cạnh đó cần kiêng ăn uống chua, cay, rượu bia, thuốc lá… Tránh căng thẳng lo lắng, cần ăn ngủ điều độ.
Chúc bạn sức khỏe!