Khi nào cần phẫu thuật trĩ

Xin chào Finizz, tôi năm nay 35 tuổi. Cách đây 1 năm, tôi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đi ngoài ra máu và bị đau rát hậu môn. Lúc đầu tôi thấy tình trạng cũng không có gì nghiêm trọng và phỏng đoán do tôi làm việc quá sức, không ăn uống đầy đủ, cơ thể bị thiếu chất nên mới xảy ra tình trạng đó. Sau đó, tôi tập trung ăn uống hơn và chăm sóc bản thân tốt hơn. Tôi thấy tình trạng đó có thuyên giảm nên cứ để vậy. Một thời gian sau, tôi lại bị như vậy, tôi nghi ngờ mình bị trĩ và đi khám. Kết quả là tôi bị trĩ nội. Hiện tôi đang uống thuốc và vẫn đi khám thường xuyên. Liệu uống thuốc thì có hết không ạ? Có khi nào tôi phải phẫu thuật không ạ? Cảm ơn Finizz.

Đỗ Viết Vinh

(2017/04/27 08:21)

Chào bạn,

Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường ngần ngại đi khám và điều trị khi ở cấp độ nhẹ. Chỉ khi nào búi trĩ sa ra ngoài, phải đẩy mới lên được người bệnh mới nghĩ đến đến chuyện can thiệp và điều trị, lúc nào khả năng chữa bằng thuốc là rất thấp và buộc phải phẫu thuật cắt trĩ.

Trĩ là bệnh do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Bệnh thường xảy ra ở người bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại, ở phụ nữ mang thai. Người bị trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ.

Bệnh trĩ có mấy cấp độ?

Bệnh trĩ chia ra làm hai loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.

- Trĩ nội:

Xuất phát ở bên trên đường lược và không có thần kinh cảm giác.
Tuỳ theo diễn tiến, được phân thành bốn độ:

       + Độ 1: mới hình thành, chảy máu là triệu chứng chính

       + Độ 2: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự lên

       + Độ 3: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu, phải đẩy mới lên được

       + Độ 4: búi trĩ sa ra ngoài thường trực và có thể bị thắt nghẹt, dẫn đến hoại tử

- Trĩ ngoại: Xuất phát bên dưới đường lược và có thần kinh cảm giác

     Diễn tiến và biến chứng: đau (do thuyên tắc), mẩu da thừa

- Trĩ hỗn hợp: Tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại.

Bệnh trĩ nên chữa trị càng sớm càng tốt

Về nguyên tắc, bệnh trĩ được chữa khỏi hẳn khi bệnh nhân không còn các biểu hiện của bệnh như đau, rát, chảy máu, ngứa hậu môn, và điều quan trọng là phải triệt tiêu được búi trĩ.

Độ nặng của bệnh phụ thuộc vào mức độ suy của hệ tĩnh mạch trĩ. Vì vậy, bệnh trĩ chữa trị càng sớm thì càng nhanh khỏi, càng đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng và giảm được chi phí điều trị.

Bệnh trĩ khi nào cần phẫu thuật

Với bệnh nhân trĩ nội độ 3 trở xuống, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp có thể không cần sử dụng biện pháp phẫu thuật mà vẫn có thể khỏi hoàn toàn nhờ kết hợp uống thuốc cùng chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mắc trĩ, làm việc hợp lý. Những bệnh nhân trĩ có độ trĩ 3, búi trĩ to, trĩ độ 4, trĩ bị tạo thành huyết khối gây tắc nghẹt cấp tính, trĩ hỗn hợp với búi trĩ ngoại lớn gây chảy máu và đau đớn nhiều mới cần thực hiện phương pháp phẫu thuật nhưng vẫn cần sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

- BS. Phạm Văn Rơ -

Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của Finizz.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan