Giảm hứng thú tình dục có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh

Tác giả: Nhật Khang. Ngày đăng: 26-04-2017

Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường có cảm giác buồn bã, lo âu, đau khổ nặng nề hơn, khiến họ không có khả năng thực hiện những công việc hằng ngày.Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra 1 năm sau khi sinh, nhưng đa phần thường xảy ra 1-3 tuần sau sinh.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm sau sinh

Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh:

Suy nhược cơ thể 

Suy nhược cơ thể là dấu hiệu điển hình của bệnh trầm cảm sau sinh. Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.

Lo lắng

Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.

Triệu chứng thường gặp nhất của người bị bệnh trầm cảm sau sinh là đau một vùng nào đó trên  cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu  không được chữa trị.

Bà mẹ nhiều khi cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ. Trong trường hợp này, người mẹ thường không đến bác sĩ nên gia đình cần mời bác sĩ đến nhà.

Căng thẳng

Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị bệnh trầm cảm sau sinh nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được. Phụ nữ uống thuốc an thần không nên thất vọng vì không làm việc được. Nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.

Cảm giác bị ám ảnh

Bà mẹ bị bệnh trầm cảm sau sinh thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ.

Mất tập trung

Người bị bệnh trầm cảm sau sinh thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ sao mà kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.

Rối loạn giấc ngủ

Thường người bị bệnh trầm cảm sau sinh rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

Nhiều bà mẹ cảm thấy stress hơn vào buổi tối, nên bị mất ngủ lâu dài. Lúc này bác sĩ thường kê toa thuốc ngủ, nhưng đôi lúc dùng liều cao vẫn không hiệu quả. Trong trường hợp này, bà mẹ sẽ cảm thấy thất vọng hơn. Quan trọng là chữa được trầm cảm thì sẽ ngủ lại được bình thường. Tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.

Tình dục

Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ bị bệnh trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh.

Giảm hứng thú tình dục có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh hình ảnh 1

Hứng thú tình dục sẽ trở lại khi mẹ hết trầm cảm. Các ông bố nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh. Cách giúp các bà mẹ cảm thấy thoải mái bao gồm đụng chạm nhẹ, ôm  ấp và vuốt ve để mang lại cảm giác an toàn.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm sau sinh?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh như:

Thay đổi nồng độ nội tiết tố. Nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh trong vài giờ sau sinh. Những sự thay đổi này có thể gây ra trầm cảm cũng như những thay đổi nhỏ trong nồng độ nội tiết tố có thể gây nên thay đổi tính cách và căng thẳng trước mỗi kì kinh.

Tiền sử trầm cảm. Phụ nữ bị trầm cảm, trước, trong, hoặc sau sinh- hoặc những người đang được điều trị trầm cảm có nguy cơ cao bị bệnh trầm cảm sau sinh.

Cảm xúc. Cảm giác nghi ngờ thường xuất hiện ở phụ nữ có thai. Nếu mang thai ngoài ý muốn, cảm giác này có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của người phụ nữ về thai kỳ cũng như đứa trẻ trong bụng. Ngay cả khi mang thai nằm trong kế hoạch, vẫn cần một khoảng thời gian để người phụ nữ quen với việc có con. Khi con trẻ bị bệnh hoặc phải nằm viện, cả cha lẫn mẹ đều có thể rơi vào trạng thái buồn phiền, giận dữ, hoặc cảm thấy có tội. Những cảm xúc này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người phụ nữ cũng như cách đối phó với stress của họ.

Mệt mỏi. Nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi sau khi sinh từ đó dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh. Có thể cần vài tuần để một phụ nữ lấy lại sức khỏe và năng lượng. Với những phụ nữ sinh mổ, thời gian này có thể lâu hơn.

Yếu tố đời sống. Thiếu sự ủng hộ từ những người xung quanh và những sự kiện gây chấn động, như người thân vừa mất, gia đình bị đau ốm, hoặc chuyển đến sống ở thành phố mới, có thể làm tăng cao nguy cơ bị bệnh trầm cảm sau sinh.

Bệnh trầm cảm sau sinh, có nên đi khám?

Nếu bạn nghĩ bạn bị bệnh trầm cảm sau sinh, hoặc chồng bạn hoặc người thân trong gia đình cho rằng bạn bị trầm cảm sau sinh, bạn cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đừng đợi cho đến lần hẹn tái khám định kì sau sinh.

Bệnh trầm cảm sau sinh được điều trị như thế nào?

Giảm hứng thú tình dục có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh hình ảnh 2

Bệnh trầm cảm sau sinh được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Liệu pháp tâm lý có thể được áp dụng để điều trị trầm cảm, thường được kết hợp với dùng thuốc.

Thuốc điều trị  trầm cảm sau sinh

Thuốc điều trị trầm cảm sau sinh giúp cân bằng những chất điều hòa cảm xúc do não tiết ra. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm. Đôi khi phải phối hợp nhiều thuốc để đạt kết quả tốt nhất. Có thể mất 3-4 tuần sau khi dùng thuốc bạn mới thấy thuyên giảm.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây nên tác dụng không mong muốn, nhưng thường chỉ là tạm thời và có thể biến mất trong một thời gian ngắn. Nếu bạn gặp phải những tác dụng không mong muốn nặng nề và gây cản trở công việc hằng ngày của bạn, hãy báo với bác sĩ. Bạn có thể cần thử một loại thuốc chống trầm cảm khác. Nếu bệnh trầm cảm trở nặng ngay sau khi bắt đầu sử dụng thuốc hoặc nếu bạn có ý nghĩ về làm hại đến cơ thể mình hoặc người khác, hãy gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

Nếu một phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm, họ có thể truyền tác dụng của thuốc qua sữa đến đứa trẻ. Nồng độ thuốc trong sữa thường rất thấp. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho bạn và con bạn. Trước khi quyết định liệu có nên dùng thuốc chống trầm cảm khi cho con bú hay không, cần cân nhắc đến những tai biến đối với con bạn khi tiếp xúc với thuốc qua sữa. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn một cách tốt nhất về vấn đề này.

Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh bằng liệu pháp tâm lý

Khi sử dụng liệu pháp tâm lý, bác sĩ tâm lý và bạn sẽ tâm sự về những cảm xúc của bạn và cùng tìm cách giải tỏa chúng. Đôi lúc, bạn chỉ cần điều trị tâm lý vài tuần, nhưng đôi khi cũng cần mất nhiều tháng hoặc lâu hơn.

Bạn có thể trị liệu tâm lý một mình với bạn và bác sĩ tâm lý của bạn, hoặc trị liệu tâm lý theo nhóm, bạn gặp bác sĩ tâm lý cùng những bệnh nhân đang mắc phải tình trạng bệnh tương tự. Một phương pháp khác là trị liệu theo gia đình hay theo cặp, bạn và gia đình hoặc chồng bạn cùng gặp bác sĩ trị liệu.

Phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào?

Nếu bạn có tiền sử trầm cảm bất kì lúc nào trong đời hoặc nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm, hãy nói với bác sĩ bạn trong giai đoạn sớm của chương trình chăm sóc trước sinh. Nói với bác sĩ bạn trước khi bạn có thai là lý tưởng nhất. Bác sĩ của bạn có thể gợi ý việc bắt đầu điều trị ngay sau khi sinh xong để dự phòng trầm cảm sau sinh. Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm trước khi mang thai, bác sĩ của bạn có thể xem xét và giúp bạn quyết định liệu có nên dùng thuốc khi đang mang thai hay không.

Một số thuật ngữ sử dụng trong bài

-        Nội tiết tố: Một chất được tạo ra trong cơ thể bởi những tế bào hoặc cơ quan điều khiển hoạt động của cơ thể. Một ví dụ là estrogen, nội tiết tố điều hòa hoạt động hệ sinh dục nữ.

-        Estrogen: Một nội tiết tố nữ do buồng trứng sản xuất.

-        Progesterone: Một nội tiết tố nữ do buồng trứng sản xuất và có nhiệm vụ chuẩn bị nội mạc tử cung cho quá trình mang thai.

-        Căng thẳng thoáng qua sau sinh: Cảm giác buồn, sợ sệt, giận dữ, hoặc lo lắng xảy ra sau khoảng 3 ngày sau sinh và thường kết thúc trong 1-2 tuần.

-        Trầm cảm sau sinh: Cảm giác buồn phiền, lo lắng hoặc đau khổ cực độ xảy ra sau sinh, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của mẹ và không biến mất sau 2 tuần.

-        Sinh mổ: Trẻ được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai, với đường mổ trên thành bụng và đoạn dưới tử cung.

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan