Chào bạn,
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể người phụ nữ. Kinh nguyệt đều đặn là một dấu hiệu của một sức khỏe sinh sản tốt. Tuy nhiên, khi hành kinh, người phụ nữ thường trải qua một số triệu chứng khó chịu, trong đó có đau bụng. Một số phương pháp đơn giản và hiệu quả sau sẽ giúp con bạn dễ chịu hơn khi "đến tháng".
Chườm nước nóng
Dùng khăn bông dấp nước ấm và chườm vào phần bụng dưới sẽ giúp bạn bớt đau bụng khi tử cung co thắt để đẩy lượng máu kinh ra ngoài.
Ngoài ra, có thể dùng chai thủy tinh nhỏ đựng nước ấm và lăn hoặc ấp vào phần bụng dưới thay cho khăn nóng.
Đắp gừng tươi
Gừng giã hoặc xắt lát, chườm vào phần bụng dưới khoảng 5-7 phút sẽ giúp bạn giảm những cơn đau bụng kinh.
Dán cao hoặc xoa dầu \nMột số bạn nữ thường xoa dầu nóng hoặc dán cao vào phần bụng dưới để giảm đau vì không có thời gian thực hiện hai phương pháp trên.
Massage nhẹ
Nên massage nhẹ nhàng và thường xuyên phần bụng dưới khi đang hành kinh. Việc này sẽ giúp cơ bụng không bị co thắt quá đột ngột và sẽ giảm đau thật hiệu quả.
Ngoài ra, để giảm bớt hiện tượng đau bụng mỗi khi hành kinh, nên ăn uống đủ chất trong thực đơn hằng ngày. Vào những ngày này, nên nghỉ ngơi và vận động thật nhẹ nhàng. Nên kiêng các chất kích thích như café, trà, rượu và một số gia vị cay, chua...
Lưu ý thêm, vào những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa vì lúc này dạ dày thường có hiện tượng trương hơi, gây khó chịu cho người phụ nữ.
Nếu bị đau bụng thường xuyên, bạn nên đưa cháu đến bác sĩ phụ khoa khám và tư vấn. Vì rất có thể triệu chứng đau bụng khi có kinh nguyệt lại là dấu hiệu thông báo các bệnh khác như u nang buồng trứng, tắc nghẽn vòi trứng... Việc đến bác sĩ để chẩn đoán bệnh sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị sớm để tránh những hậu quả xấu.
Để giảm đau bụng khi hành kinh, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc giảm đau chứa progestagen. Thuốc này có tác dụng làm giãn cơ vòng của tử cung, ức chế sự co bóp, nhờ đó giảm đau đớn.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên những người còn trẻ tuổi hay bị đau bụng vào những ngày “đèn đỏ” cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, dinh dưỡng và tâm lý để tránh những sợ hãi, lo lắng không đáng có, nhằm hạn chế mức độ đau bụng.
Nếu đã kết hợp các biện pháp trên mà không mấy hiệu quả, nên nghĩ đến các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, bệnh ở cơ quan sinh dục... và đến bác sĩ khám.
Chúc bạn vui khỏe!