Nhịn đói lâu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hạ đường huyết

Tác giả: hoaithuong. Ngày đăng: 02-05-2017

Bạn có biết nhịn đói lâu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hạ đường huyết. Hạ đường huyết có thể khiến người bệnh cảm thấy suy nhược, mệt mỏi, bụng đói cồn cào, trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê.

Bụng đói cồn cào có thể là dấu hiệu bệnh hạ đường huyết

Khi đường trong máu thấp dưới mức 3,8mmol/l thì gọi là hạ đường huyết. Các triệu chứng hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân tuy vậy bệnh nhân thường có một hay nhiều dấu hiệu chung sau:

  • Về tiêu hoá, bệnh nhân thấy đói cồn cào, xót ruột, đau bụng…
  • Đối với tim mạch xuất hiện những cơn đau thắt ngực, có các dấu hiệu vận mạch. Toàn thân người bệnh vã mồ hôi, xuất hiện cảm giác mệt mỏi.
  • Đặc biệt là về tinh thần kinh, người bệnh thấy cơ thể bạc nhược, giảm hoạt động trí tuệ, lú lẫn, thay đổi tính tình, dễ bị kích động, xuất hiện hiện tượng dị cảm, nhìn một hóa hai, có các động tác bất thường, thậm chí có rối loạn giấc ngủ.
  • Những trường hợp hạ đường huyết nặng sẽ có thể xuất hiện lú lẫn cấp tính, người bệnh bị kích động mạnh, có dấu hiệu liệt nửa người (giả đột qụy) hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú. Bệnh nhân có những cơn co giật, có thể ngắt quãng hoặc liên tục. Khi hôn mê sâu có rối loạn ý thức, có thể kèm theo tình trạng vật vã, các động tác bất thường, có những dấu hiệu đặc biệt như tăng trương lực cơ toàn thân, dấu hiệu Babinski hai bên, vã mồ hôi nhưng không có biểu hiện mất nước.
  • Ngoài ra người bệnh còn có thể có phản xạ tăng, dấu hiệu mút tay, níu áo, đầu và mắt quay sang một bên, giãn đồng tử hoặc đồng tử dao động. Biểu hiện hội chứng vận mạch và tim là điện tim đồ có thể hiện thiếu máu cơ tim. Bệnh có thể tiến triển thành hôn mê kéo dài (phù não) hoặc di chứng tinh thần kinh vĩnh viễn (bệnh não sau cơn hạ đường huyết).Nhịn đói lâu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hạ đường huyết hình ảnh 1

Nhịn đói quá lâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh hạ đường huyết.

Vậy nguyên nhân hạ đường huyết là gì?

Chế độ ăn kiêng quá mức, nhịn ăn ở người đái tháo đường, hay người tập luyện vận động quá mức cũng đều có thể dẫn đến bệnh hạ đường huyết. Thiếu hụt đường huyết trầm trọng có thể dẫn đến hôn mê, nếu tình trạng này không được bù đắp glucose kịp thời, nhất là hạ đường huyết nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh hạ đường huyết nếu xảy ra trên người đái tháo đường thường là do người bệnh mắc sai lầm trong điều trị, họ dùng thuốc hạ đường huyết quá nhiều, đó là insulin hay sulfamid. Hoặc là giai đoạn đầu của đái tháo đường, đường huyết chưa ổn định. Đặc biệt nếu người bệnh đái tháo đường nhịn ăn quá mức, hoạt động thể lực nhiều, có kèm theo bệnh suy thận, bệnh tim mạch (dùng thuốc chẹn bêta và giãn mạch vành). Càng nguy hiểm hơn nếu có bệnh dạ dày, bệnh nội tiết.

Hôn mê do bệnh hạ đường huyết cũng có thể xảy ra ở người không bị đái tháo đường do những nguyên nhân sau: Cơ thể tiết ra nhiều insulin (do tăng sản, u tế bào bêta đảo langergans) hoặc quá trình xuất hiện u ngoài tụy tạng. Những người nhịn ăn, suy dinh dưỡng, những người nghiện rượu... bệnh cũng xuất hiện ở những người có bệnh nội tiết như bệnh ở tuyến thượng thận hay mắc bệnh cơ năng, có sự bất thường về chuyển hoá... Thậm chí có những người bị hôn mê hạ đường huyết do lạm dụng insulin để tự tử.

Làm gì khi bị bệnh hạ đường huyết?

Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu của bệnh hạ đường huyết phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường (200ml), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đối với người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết nên sử dụng dung dịch ngọt ưu trương 30% ngay từ khi có nghi ngờ hạ đường huyết, đặc biệt trước một rối loạn thần kinh cấp xảy ra trên bệnh nhân đang được điều trị bằng insulin hoặc sulfamid. Khi tiêm cần tiêm rất chậm, liều sử dụng không quá 60ml, sau đó thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch ngọt 10-15%. Tiêm glucose tĩnh mạch đồng thời cũng là test chẩn đoán có giá trị lớn, các dấu hiệu hôn mê sẽ mất ngay tức thì. Cũng có thể tiêm glucagon (tiêm bắp hay tĩnh mạch cũng có tác dụng tương tự). Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tự khỏi không để lại di chứng gì, tuy nhiên sau cơn hạ đường huyết có giảm đi một phần. Tiến triển của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh nhân có được điều trị kịp thời hay không.

Để phòng bệnh hạ đường huyết, mọi người không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu. Đối với bệnh nhân đái tháo đường không nên quá nóng vội mà dùng quá liều insulin mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Nhịn đói lâu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hạ đường huyết hình ảnh 2

Những bệnh nhân này cũng cần có chế độ tập luyện thể lực điều độ, nên mang sẵn những thứ như kẹo gừng để khi cảm thấy có dấu hiệu bệnh hạ đường huyết cần sử dụng ngay. Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở người đái tháo đường là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Dự phòng bệnh hạ đường huyết như thế nào?

Cần dự phòng lượng glucoza bột ở nhà để có sử dụng ngay bằng đường uống nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh hạ đường huyết.

Mỗi bệnh nhân cũng như người sống cùng trong nhà cần nắm vững được các dấu hiệu hạ đường huyết để tự phát hiện sớm. Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết phải thử máu ngay, nếu có điều kiện (sử dụng các máy thử đường huyết, hoặc báo ngay cho các nhân viên y tế để kiểm tra đường huyết). Thường xuyên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết đái tháo đường để kiểm tra đường huyết, tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc. Không tự ý phối hợp các thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, phải coi trọng vai trò của 3 yếu tố: ăn uống, luyện tập hợp lý và thuốc men như nhau trong quá trình điều trị.

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan