Dị ứng sữa ở trẻ em

Tác giả: Dai Trang. Ngày đăng: 19-10-2016

Dị ứng sữa, một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em, là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với sữa và các sản phẩm từ sữa. Sữa bò là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên sữa cừu, dê, trâu và các động vật có vú khác cũng có thể gây nên phản ứng.

Tổng quan

Dị ứng sữa, một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em, là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với sữa và các sản phẩm từ sữa. Sữa bò là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên sữa cừu, dê, trâu và các động vật có vú khác cũng có thể gây nên phản ứng.

Phản ứng dị ứng thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa. Dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa biểu hiện từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm thở khò khè, nôn, nổi mề đay và các vấn đề tiêu hóa. Đôi khi dị ứng sữa có thể gây phản vệ (anaphylaxis), một phản ứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Tránh sử dụng là biện pháp điều trị chính với dị ứng sữa. May mắn là hầu hết trẻ em khi lớn lên sẽ không còn dị ứng với sữa. Những trẻ không có khả năng này có thể sẽ phải tiếp tục tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Triệu chứng

Các triệu chứng của dị ứng sữa khác nhau ở từng người và xảy ra một vài phút đến một vài giờ sau khi uống sữa hay ăn các sản phẩm từ sữa.

Ngay sau khi sử dụng sữa, các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa có thể bao gồm:

- Nổi mề đay

- Thở khò thè

- Nôn

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể cần nhiều thời gian hơn đển xuất hiện bao gồm:

- Đi ngoài phân lỏng, có thể có máu

- Tiêu chảy

- Co thắt bụng

- Ho hoặc thở khò khè

- Chảy nước mũi

- Chảy nước mắt

- Phát ban ngứa trên da, thường ở xung quanh miệng

- Đau bụng, ở trẻ em

Phân biệt dị ứng sữa và không dung nạp sữa

Phản ứng dị ứng sữa thật sự khác với sự không dung nạp protein của sữa hoặc không dung nạp lactose. Không giống như dị ứng sữa, không dung nạp không liên quan đến hệ miễn dịch. Không dung nạp sữa gây ra nhiều triệu chứng khác và cần biện pháp điều trị khác với dị ứng sữa.

Dấu hiệu và triệu chứng thông thường của không dung nạp protein của sữa hoặc không dung nạp lactose bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như là đầy hơi, đánh hơi hoặc tiêu chảy sau khi sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa.

Phản vệ (anaphylaxis)

Dị ứng sữa có thể gây phản vệ, một phản ứng đe dọa đến tính mạng mà có thể làm hẹp đường thở và cản trở hô hấp. Sữa là thức ăn phổ biến nhất đứng hàng thứ ba, sau lạc và hạnh nhân, gây nên phản vệ.

Nếu bạn hoặc con bạn có phản ứng với sữa, hãy gọi bác sĩ, cho dù phản ứng đó nhẹ như thế nào. Các xét nghiệm (test) có thể giúp xác định dị ứng sữa, nhờ đó bạn có thể tránh được các phản ứng trong tương lai hoặc các phản ứng có khả năng tồi tệ hơn.

Phản vệ là một cấp cứu y khoa, cần được điều trị bằng tiêm thuốc adrenaline (epinephrine) và chuyển ngay đến khoa/phòng cấp cứu. Các dấu hiệu và triệu chứng của phản vệ bắt đầu sớm ngay sau khi dùng sữa và có thể bao gồm:

- Co thắt đường thở, bao gồm cả phù nề hầu họng gây khó thở.

- Đỏ bừng mặt

- Ngứa da

- Tình trạng sốc, với triệu chứng tụt huyêt áp

Nguyên nhân

Tất cả các dị ứng thực sự do thực phẩm đều gây ra bởi sự rối loạn hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của bạn nhận diện một số protein của sữa là có hại, điều này kích hoạt sản xuất kháng thể globulin miễn dịch E (IgE) để trung hòa protein (kháng nguyên). Lần tiếp theo khi bạn tiếp xúc với các protien này, kháng thể IgE sẽ nhận ra chúng và gửi tín hiệu đến hệ thống miễn dịch để giải phóng histamine và các hóa chất khác, gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng.

Có 2 loại protein chính trong sữa bò có thể gây ra phản ứng dị ứng:

- Casein, được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại

- Whey, được tìm thầy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.

Bạn hoặc con bạn có thể bị dị ứng với chỉ một hoặc cả hai loại protein. Những protein này có thể rất khó tránh bởi vì nó cũng có trong một vài thực phẩm chế biến sẵn. Và, hầu hết những ai có phản ứng với sữa bò cũng sẽ phản ứng với sữa cừu, dê và trâu. Ít khi những người bị dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với sữa đậu nành.

Hội chứng viêm ruột do protein thực phẩm (FPIES)

Kháng nguyên thực phẩm cũng có thể gây ra những điều đôi khi được gọi là dị ứng thực phẩm chậm/trì hoãn. Mặc dù bất cứ thực phẩm nào cũng có thể là yếu tố kích hoạt, nhưng sữa là một trong những yếu tố phổ biến nhất. Phản ứng, thường là nôn hoặc tiêu chảy, hay xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn các yếu tố kích hoạt hơn là trong vòng vài phút.

Không giống với dị ứng thực phẩm, hội chứng viêm ruột do protein thực phẩm thường tự khỏi theo thời gian. Khi bị dị ứng sửa điển hình, thì việc dự phòng được hội chứng viêm ruột do protein thực phẩm có liên quan tới việc tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau có thể tăng nguy cơ xuất hiện dị ứng sữa:

- Các dị ứng khác: Nhiều trẻ dị ứng sữa cũng có các dị ứng khác, dị ứng sữa thường sẽ xuất hiện đầu tiên.

- Viêm da dị ứng: Trẻ em bị viêm da dị ứng, một tình trạng viêm da mạn tính phổ biến, có khả năng bị dị ứng thực phẩm nhiều hơn.

- Tiền sử gia đình: Nguy cơ dị ứng thực phẩm của một người tăng lên nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai có dị ứng thức thực phẩm hoặc dị ứng khác như bệnh sốt mùa hè (sốt mùa cỏ khô), hen phế quản, mề đay hoặc chàm (eczema).

- Tuổi: Dị ứng sữa thường gặp hơn ở trẻ em. Khi lớn lên, hệ thống tiêu hóa của chúng trưởng thành và cơ thể của chúng ít có khả năng phản ứng với sữa hơn.

Biến chứng

Trẻ em bị dị ứng với sữa thường có nhiều khả năng xuất hiện các vấn đề về sức khỏe khác, bao gồm:

- Dị ứng với các thực phẩm khác – như trứng, đậu nành, lạc, thậm chí thịt bò.

- Bệnh sốt mùa hè – môt phản ứng thông thường với lông vật nuôi, bọ ve trong bụi, phấn hoa và các chất khác.

Các xét nghiệm (tests) và chẩn đoán

Khi thực phẩm gây ra một phản ứng dị ứng, không phải luôn dễ dàng chỉ ra loại thực phẩm nào là thủ phạm. Để đánh giá liệu rằng bạn hoặc con bạn có bị dị ứng sữa hay không, bác sĩ có thể phải:

+ Đưa ra một vài câu hỏi chi tiết về các dấu hiệu và triệu chứng.

+ Tiến hành khám bệnh.

+ Yêu cầu bạn ghi chép nhật ký cụ thể về thực phẩm mà bạn hoặc con bạn ăn hàng ngày.

+ Yêu cầu bạn hạn chế sữa trong khầu phần ăn của bạn hoặc con bạn (khẩu phần ăn hạn chế) – và sau đó yêu cầu bạn thêm nó trở lại để xem liệu nó có gây ra phản ứng hay không.

Bác sĩ có thể cũng yêu cầu làm một hoặc cả hai xét nghiệm sau:

+ Xét nghiệm (test) da: trong xét nghiệm này, da bạn sẽ bị chích nhẹ và được tiếp xúc với một lượng nhỏ protein có trong sữa. Nếu bạn có dị ứng, bạn sẽ xuất hiện một vết sưng tấy (vết ong đốt) tại vị trí làm xét nghiệm (test) trên da bạn hoặc con bạn. Các chuyên gia dị ứng thường được trang bị tốt nhất để thực hiện và đọc kết quả xét nghiệm (test) dị ứng trên da. Loại xét nghiệm (test) này không phải lúc nào cũng chính xác trong việc phát hiện dị ứng sữa.

+ Xét nghiệm máu: một xét nghiệm máu có thể đo mức độ phản ứng của cơ thể bạn với sữa bằng việc đo nồng độ của kháng thể miễn dịch globulin E (IgE) trong máu của bạn. Test này có thể thường không đặc hiệu trong việc phát hiện một trường hợp dị ứng sữa.

Nếu kết quả thăm khám và xét nghiệm không thể khẳng định được có dị ứng sữa hay không, bác sĩ sẽ phải chỉ định một thử thách đường ăn uống (oral challenge), trong đó bạn sẽ được cho ăn nhiều thức ăn khác nhau mà nó có hoặc không có sữa với số lượng tăng dần để xem bạn phản ứng với các thức ăn có sữa. Xét nghiệm (test) dị ứng này tốt nhất nên được chỉ định bởi một chuyên gia về dị ứng đã được đào tạo để xử lý các phản ứng nghiêm trọng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng các triệu chứng của bạn được gây ra bởi một điều gì đó khác hơn là dị ứng thực phẩm, bạn có thể cần các xét nghiệm khác để xác định, hoặc loại trừ, các vấn đề sức khỏe khác.

Điều trị và thuốc

Cách tốt nhất để ngăn chặn một phản ứng dị ứng là tránh sử dụng sữa và các protein của sữa. Điều này có thể khó khăn bởi vì sữa là một thành phần của nhiều loại thức ăn. Ngoài ra, một vài người có dị ứng sữa vẫn có thể dung nạp được với sữa dưới một vài hình thái, như sữa đươc đun nóng trong bánh nướng, hoặc trong một số thực phẩm chế biến như sữa chua. Nói chuyện với bác sĩ về những thứ bạn cần tránh.

Mặc dù bạn đã có rất nhiều nỗ lực tốt nhất, nếu bạn hoặc con bạn vô tình sử dụng sữa, các thuốc điều trị như kháng histamin có thể giảm các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ của một phản ứng dị ứng. Uống ngay sau khi tiếp xúc với sữa, thuốc kháng histamin có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.

Nếu bạn hoặc con bạn có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ), bạn có thể cần một mũi tiêm khẩn cấp epinephrine (adrenaline) và đến ngay phòng cấp cứu. Nếu bạn có nguy cơ bị phản ứng nặng, bạn hoặc con bạn cần mang theo bút tiêm adrenaline (như EpiPen, Auvi-Q…) vào mọi lúc. Bạn cần được bác sĩ hoặc dược sĩ kê đơn hướng dẫn cách sử dụng bút tiêm này để bạn có thể được chuẩn bị trong trường hợp cấp cứu.

Dự phòng

Không có một cách chắc chắn nào để dự phòng dị ứng sữa, nhưng bạn có thể dự phòng các phản ứng bằng việc tránh các thực phẩm gây phản ứng. Nếu bạn hoặc con bạn bị dị ứng sữa, hãy tránh sữa và các sản phẩm từ sữa.

Đọc nhãn sản phẩm cẩn thận. Hãy tìm kiếm casein, một dẫn xuất của sữa, mà nó có thể được tìm thấy trong một số nơi không ngờ tới, như cá ngừ đóng hộp hoặc các sản phẩm không làm từ bơ sữa. Hỏi về thành phần khi đặt món ở nhà hàng.

Nguồn gốc của các sản phẩm từ sữa

- Các nguồn gốc rõ rang của các protein trong sữa gây dị ứng được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa, bao gồm:

+ Sữa nguyên chất, sữa ít béo, sữa tách kem (sữa gầy), sữa bơ

+ Bơ

+ Sữa chua

+ Kem, kem ly (gelato)

+ Pho-mát và các sản phẩm có pho-mát

+ Vân vân

- Sữa có thể khó để xác định hơn khi được sử dụng trong một sản phẩm chế biến sẵn, bao gồm đồ nướng lò, thịt chế biến sẵn hay ngũ cốc ăn sáng. Các nguồn sữa bị ẩn dấu bao gồm:

+ Whey có trong nước sữa chua

+ Casein

+ Các thành phần phát âm với tiền tố “lact”, vì dụ lactose, lactat

+ Các loại kẹo, như socola, nuga hay caramen

+ Bột đạm (bột protein).

+ Hương liệu bơ nhân tạo

+ Hương liệu pho-mát nhân tạo

+ Hydrosolate

- Kể cả một sản phẩm được dán nhãn “không có sữa” hay “không có bơ”, nó cũng có thể có các protein sữa gây dị ứng – vì vậy bạn cần phải đọc nhãn hết sức cẩn thận. Khi bạn nghi ngờ, hãy liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo nó không có thành phần từ sữa.

- Khi đi ăn ở ngoài, hãy hỏi xem thức ăn đã được chuẩn bị như thế nào. Liệu có phải miếng thịt nướng của bạn đã được phết bơ lên đó, hay đồ hải sản đã được nhúng trong sữa trước khi nấu không?

- Nếu bạn có nguy cơ bị các phản ứng nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc mang theo và sử dụng epinephrine (adrenaline) cấp cứu. Nếu bạn đã từng có các phản ứng nặng, hãy đeo một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ để cho mọi người biết bạn bị dị ứng thực phẩm.

Sữa thay thế cho trẻ sơ sinh

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng cho bú sữa mẹ trong 4 đến 6 tháng đầu của bé thay vì sử dụng sữa bò công thức theo tiêu chuẩn có thể giúp ngăn chặn di ứng sữa. Trẻ em bị dị ứng với sữa, cho trẻ bú sữa mẹ và sử dụng công thức sữa ít gây dị ứng có thể dự phòng được các phản ứng dị ứng.

- Bú sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Cho bú sứa mẹ trong ít nhất 4 đến 6 tháng đầu sau sinh nếu có thể, đặc biệt với các trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng sữa.

- Các sữa công thức giảm dị ứng được sản xuất bằng cách sử dụng các men (enzyme) để bẻ gẫy (thủy phân) các protein của sữa, như là casein hoặc whey. Quá trình tiếp có thể theo bao gồm đun nóng và lọc. Tùy thuộc vào mức độ xử lý, sản phẩm có thể được phân loại như thủy phân một phần hoặc hoàn toàn. Hoặc chúng cũng có thể được gọi là sữa công thức cơ bản.

Một vài sữa công thức giảm dị ứng không được làm từ sữa, nhưng thay vào đó nó sẽ có các axít-amin. Bên cạnh các sản phẩm được thủy phân hoàn toàn, các sữa công thức dựa trên các axít-amin ít có khả năng gây các phản ứng di ứng hơn.

- Sữa công thức từ đậu nành dựa trên protein của đậu nành thay vì sữa. Sữa công thức từ đậu nành được tăng cường để có dinh dưỡng đầy đủ - nhưng, thật không may, một vài trẻ em bị dị ứng với sữa cũng có thể bị dị ứng với đậu nành.

Nếu bạn đang cho con bú và con bạn bị dị ứng sữa, các protein của sữa bò đi qua sữa mẹ có thể gây phản ứng dị ứng. Khi đó bạn cần phải loại bỏ các sản phẩm có sữa ra khỏi khẩu phần của bạn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn biết hoặc nghi ngờ con bạn bị dị ứng sữa và có các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sau khi được bú sữa mẹ.

Nếu bạn hoặc con bạn đang trong chế độ ăn không có sữa, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng. Bạn hoặc con bạn cần phải dùng thực phẩm bổ sung để thay thế canxi hay các chất dinh dưỡng có trong sữa, như vitamin D và B2.

Khó khăn và sự hỗ trợ

Khi bị dị ứng nặng hoặc là cha mẹ của trẻ bị dị ứng có thể đe dọa tính mạng thì bạn có thể bị căng thẳng. Việc nói chuyện những người khác ở trong hoàn cảnh giống bạn sẽ rất hữu ích. Bên cạnh việc đưa ra sự hỗ trợ và khuyến khích, họ cũng có thể có những lời khuyên giải quyết những khó khăn hữu ích, chẳng hạn như làm thế nào để giải quyết hiệu quả những khó khăn với các nhân viên trường học sao cho đảm bảo con bạn được hỗ trợ y tế khi có phản ứng dị ứng. Hỏi bác sĩ nếu có bất cứ nhóm hỗ trợ nào trong khu vực của bạn, hoặc liên hệ với các Trung tâm Dị ứng và Hen suyễn Quốc gia.

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan

Dị ứng sữa ở trẻ em

Dị ứng sữa, một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em, là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với sữa và các sản phẩm từ sữa. Sữa bò là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên sữa cừu, dê, trâu và các động vật có vú khác cũng có thể gây nên phản ứng.

Tổng hợp các cách chữa bệnh bạch biến hiệu quả hiện nay

Các cách chữa bệnh bạch biến hiện nay thường tập trung giúp điều trị triệu chứng chứ không giúp khỏi bệnh hoàn toàn. Thêm vào đó, người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả.

Cách chữa bỏng hiệu quả bằng phương pháp đông y

Nếu cách chữa bỏng không đúng rất có thể dẫn đến nhiễm trùng, để lại sẹo và mất nhiều thời gian hơn để da hồi phục. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết cách xử lý mỗi khi bị bỏng nhé.

Những điều cần lưu ý khi chữa bệnh á sừng

Bệnh á sừng là bệnh ngoài da khá phổ biến, hiện nay vẫn chưa có cách chữa bệnh á sừng hoàn toàn, tuy nhiên nếu bạn áp dụng những chỉ dẫn dưới đây, tình trạng bệnh có thể được cải thiện.

Cách chữa bệnh chàm tại nhà đơn giản và hiệu quả

Hãy cùng Finizz.com tìm hiểu một số cách chữa bệnh chàm vừa hiệu quả vừa an toàn từ các nguyên liệu tự nhiên dưới đây nhé.

Chăm sóc da bằng TRÀ XANH

Trà xanh là loại thức uống được sử dụng từ lâu đời, gần đây, khoa học đã chứng minh được các thành phần hóa học và hàng loạt các tác dụng tốt của trà xanh cho sức khỏe. Trong đó, trà xanh rất tốt cho một số bệnh ngoài da.

Bạch biến

Bạch biến là bệnh tự miễn dịch, có tính di truyền, khó điều trị, đặc trưng làtình trạng mất sắc tố da, thường xảy ra trên da mặt sau của bàn tay, mặt, nách, khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục.

Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thận và hệ thần kinh.

Bệnh ấu trùng di chuyển ngoài da

Là tình trạng phát ban da do da bị nhiễm ký sinh trùng (giun tròn). Yếu tố nguy cơ bao gồm tắm nắng hoặc đi chân trần trong vùng nhiệt đới, sở thích hoặc nghề nghiệp đòi hỏi phải tiếp xúc với đất cát.

Dị ứng với latex (mủ cao su)

Dị ứng với latex (mủ cao su) là phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch với các protein thực vật (có trong mủ cao su) hoặc các hóa chất trong latex. Latex được sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm dùng trong bệnh viện như găng tay và ống truyền, nó cũng được sử dụng trong một loạt các mặt hàng phổ biến như bóng bay, núm vú ở bình sữa cho trẻ em, lốp xe, đồ chơi và bao cao su. Người bị dị ứng với latex cần hạn chế sử dụng chúng.

Viêm mạch mạng xanh tím

Là tình trạng mạch máu nổi như mạng nhện trên da, có màu tím, xảy ra chủ yếu ở cánh tay và chân. Bệnh thường tự phát nhưng có thể do tác dụng phụ của thuốc, các bệnh tự miễn (lupus, hội chứng Anti-phospholipid) và các vấn đề về mạch máu. Bệnh xuất hiện nhiều hơn khi trời lạnh và ảnh hưởng đến phụ nữ hơn là nam giới.