Da Liễu

Chào bác sĩ. Gần đây ở lòng các ngón chân ở chân phải em có xuất hiện 1 số nút nhỏ hình tròn từ 2-3mm đau khi chạm vào hay đi lại. Nhìn sơ qua thì có chân ăn sâu vào trong ở mỗi nhọt bên ngoài hơi chai sần như mụn cóc và ép hay cạy nhẹ cũng dễ chảy máu. Và có hơn 7 mụn nhọt như thế ở lòng ngón chân phải. em không biết là bệnh j chữa ra sao cho nên e mong bác sĩ giúp đỡ

Nguyễn xuân hải

(2016/02/04 06:42)

Chào em,
Bệnh lý dưới bàn chân như em có 3 bệnh thường gặp, khá giống nhau là bệnh mắt cá chân, mụn cóc lòng bàn chân và chai chân:
Bệnh mắt cá chân là một tổn thương dày sừng khu trú ở lòng bàn chân. Vị trí thường xuất hiện ở những nơi mà xương bàn chân tiếp xúc với giày dép như: mặt lòng của ngón chân thứ 5, cạnh bàn chân, gót chân, gò cái lòng bàn chân. Biểu hiện là trung tâm tròn chứa chất sừng, da xung quanh có viền dày sừng, màu vàng trong, ấn vào thì đau. Mắt cá có khi phẳng, có khi lồi lên khỏi mặt da, bề mặt láng hay có vảy. Mắt cá thường rất đau vì ở những vị trí dễ kích thích cọ sát. Mắt cá không lây lan nhưng có khả năng bị nhiễm trùng. Thông thường chỉ có 1-2 cái.
Mụn cóc lòng bàn chân thường ở sâu hơn, ít đau, khô hơn, xuất hiện thường có nhiều cái, nhìn kỹ có những gai nhỏ và thường có những chấm đen. Vị trí không nhất thiết phải ở vùng tỳ ép. Mụn cóc lòng bàn chân có thể lây lan sang những vùng khác trên cơ thể và có thể lây lan cho người khác.
Chai chân: vốn là tổn thương dày sừng thường xuất hiện do sự ma sát, tỳ đè kéo dài; tổn thương là đám da dày màu ngả vàng, hơi cộm lên, hình trong hay bầu dục, sờ cứng, không đau hoặc đau không đáng kể, không có nhân ở giữa.
Em bị hơn 7 mụn như thế, thì nhiều khả năng em bị mụn cóc lòng bàn chân.
Cũng giống như mụn cóc thông thường, trong điều trị mụn cóc bàn chân có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:
Phương pháp hóa chất: dùng dung dịch axit chấm vào mụn cóc làm phá hủy tổ chức bệnh. Thị trường hiện nay có chế phẩm duofilm dùng rất tốt, chỉ định cho mụn cóc ở tay, chân, bôi từ 9-12 tuần dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa, không bôi thuốc lên vùng da lành.
Phương pháp đốt lạnh: dùng tuyết carbon hoặc nitơ lỏng phun lên mụn cóc gây bỏng tại chỗ. Phương pháp này rất an toàn và hiệu quả, nhưng đòi hỏi phải có hóa chất và dụng cụ chuyên dụng.
Phương pháp đốt nhiệt: đốt điện hoặc đốt laser hiện nay đang được áp dụng ở nhiều nơi, giải quyết nhanh, ít tái phát, hiệu quả và an toàn cao. Đốt rộng ra xung quanh thương tổn 0,2cm thì hầu như không có tái phát. Đây là phương pháp ưu việt nhất đối với mụn cóc lòng bàn chân.
Em nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác xem là bệnh gì, từ đó có biện pháp điều trị đúng nhất nhé!
Chúc em nhiều sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan