Sản Phụ Khoa

bác sĩ cho cháu hỏi cháu đi làm xét nghiệm đường máu. Kết quả như sau: khi đói: 4.6 sau ăn 1h: 9.5 sau 2h: 10.9 Chỉ số này có bình thường ko ạ? cháu cần ăn như thế nào để kiểm soát lượng đường huyết. Cháu xin cảm ơn!

Nguyễn Trường An

(2015/09/24 00:39)

Chào bạn,
Bạn có thể tham khảo chỉ số đường huyết thai kỳ vào từng giai đoạn:
1. Trong lần khám thai đầu tiên:
Trong lần khám thai đầu tiên, các xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc glucose máu ngẫu nhiên được thực hiện, các kết quả xét nghiệm được thể hiện ở bảng 1.
Bảng 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường lâm sàng ở thai phụ*


Các thông số

Giá trị các thông số


Glucose máu khi đói

> 7,0 mmol/L


HbA1c

> 6,5%


Glucose máu ngẫu nghiên

> 11,1 mmol/L


*Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups)
- Nếu một trong các giá trị glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/L, HbA1c > 6,5%, hoặc glucose máu ngẫu nghiên > 11,1 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng
- Nếu glucose máu lúc đói từ 5,1 đến 7,0 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường thai nghén.
- Nếu glucose máu lúc đói < 5,1 mmol/L, đợi đến tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, cho làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường thai nghén
2. Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ:
Khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, các kết quả ở thai phụ bình thường và đái tháo đường thai nghén được thể hiện ở Bảng 2:
Bảng 2. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai nghén bằng nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 g glucose)**


Các thời điểm thử nghiệm

Mức độ glucose máu (mmol/L)


Khi đói

> 5,1


1 giờ sau khi uống glucose

> 10,0


2 giờ sau khi uống glucose

> 8,5


**Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups)
- Nếu glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.
- Nếu một hoặc nhiều hơn các thông số ở bảng 2 lớn hơn giá trị nêu trên là đái tháo đường thai nghén.
- Ở thai phụ bình thường, cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên.
Do không rõ bạn đang mang thai ở tuần bao nhiêu nên bạn tham khảo và tự nhận biết nhé.
Dinh dưỡng cần với người bị tiểu đường thai kỳ:
Một yếu tố vô cùng quan trọng khi chị em mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, kiêng ăn gì sẽ giúp chị em luôn kiểm soát được đường huyết của mình. Chính vì vậy các thai phụ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng luôn đảm bảo đủ chất để thai nhi phát triển mà không gây hại cho cả mẹ và bé.
Đối với bệnh tiểu đường thai kỳ cần đặc biệt chú ý tới lượng carbohydrate đưa vào cơ thể. Cần đảm bảo lượng carbohydrates ở mức độ cho phép. Carbohydrates được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như: Sữa và sữa chua, trái cây và nước trái cây, gạo, các loại ngũ cốc, các loại bánh mì, bánh quy,… Chính vì thế cần tiêu thụ các thực phẩm trên ở mức độ vừa phải, đối với những thực phẩm chế biến sẵn như các loại bánh thì nên đọc hàm lượng carbohydrates ở ngoài bao bì để xác định lượng carbohydrates vừa đủ.
Phân phối các loại thực phẩm của bạn giữa ba bữa chính và hai hoặc ba bữa ăn nhẹ mỗi ngày: Không nên ăn quá nhiều một lúc vì nó có thể làm lượng đường trong máu tăng lên nhiều. Trong thời gian mang thai tuyệt đối không được bỏ bữa vì sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dinh dưỡng cân bằng của em bé. Thông thường lượng đường trong máu sẽ khó kiểm soát vào buổi sáng vì biến động của hormone. Những người có tiểu đường thai kỳ nên ăn bữa sáng với tinh bột và protein sẽ là lựa chọn tốt nhất.
Tiểu đường thai kỳ cần kiêng ăn gì ?
Người bị tiểu đường khi mang thai cần kiêng những các loại thực phẩm và đồ uống có chứa loại đường đơn như: sô-đa, nước ép trái cây đóng hộp, các loại trà hoa quả, nước có hương vị và hầu hết các món tráng miệng (bánh ngọt, kem…). Những thực phẩm này có thể khiến đường huyết tăng nhanh chóng.
Với các loại trái cây mỗi ngày nên ăn từ 1-3 phần trái cây, và cũng không nên ăn quá nhiều trái cây trong một lúc. Bị tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn các loại trái cây được đóng hộp hoặc được chế biến dưới dạng siro vì loại này thường chứa lượng đường khá cao.
Còn với sữa do hàm lượng canxi, vitamin và khoáng chất trong sữa chiếm tỷ lệ khá cao, vì thế nó là nguồn bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho các bà mẹ mang thai. Tuy nhiên sữa cũng là một dạng chất lỏng của carbohydrate chính vì thế không nên uống quá nhiều sữa một lúc. Một cốc chứa khoảng 200ml sữa/1 lần uống, uống 2-3 cốc sữa/1 ngày là hợp lý.
Đặc biệt tiểu đường thai kỳ cần kiêng các món tráng miệng, các loại thực phẩm chứa đường,…
Ngoài các chế độ ăn uống hợp lý, thì thai phụ cần phải duy trì việc tập thể dục nhẹ nhàng để giữ trọng lượng cơ thể, thư giãn tinh thần, kiểm soát tốt đường huyết để luôn an toàn cho cả mẹ và bé.
Thân ái

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan