Tiêu Hóa

Thưa bác sĩ năm nay con 18 tuổi, hè năm ngoái con bị đau dạ dày, khi đói bụng rất đau, ăn xong đỡ, sau đó 1 thời gian khi đói và no đều đau. Hiện tại con thường xuyên đau vùng thượng vị, ợ hơi kèm cảm giác khó chịu vùng họng, mong bác sĩ có thể tư vấn giúp con

H Trang

(2015/05/08 23:09)

Chào bạn, Như triệu chứng bạn mô tả, rất có khả năng bạn bị viêm loét dạ dày. Biểu hiện của bệnh là thường đau và có cảm giác nóng vùng thượng vị và sau xương ức khởi phát do thức ăn, một số thức ăn không dung nạp như thức ăn rán, cay, mỡ, cà phê, rượu...
Khi ăn uống thiếu điều độ, tâm trạng lo âu, căng thẳng hoặc sử dụng dài hạn các loại thuốc kháng viêm giảm đau…, có khi trầm trọng thêm vào các đợt cúm ho, phải uống thuốc kháng sinh, hoặc khi bị mất ngủ, chịu áp lực công việc căng thẳng, stress… có khuynh hướng làm cho dạ dày tiết nhiều axit hơn. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa lớp nhầy và axit có trong dạ dày gây nên bệnh viêm loét dạ dày. Bệnh thường có những triệu chứng như khó tiêu hóa, đầy bụng, đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… Về điều trị bạn cần chú ý:
1- Chế độ ăn uống nghỉ ngơi: Nằm đầu cao, giảm trọng lượng cơ thể, tránh lao động nặng, nên ăn nhẹ đặc biệt vào ban đêm, không hút thuốc lá, tránh các thức ăn kích thích và khó tiêu.
Người bệnh cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, từ 5 đến 6 bữa /ngày. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác căng của dạ dày và giảm tiết axit của dạ dày. Lưu ý ăn uống đều đặn, không ăn quá no hoặc bụng quá đói để dạ dày luôn có thức ăn và trung hòa axit giúp giảm cơn đau.
Nên ưu tiên nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bột mì, bột năng, bánh hoặc gạo nếp… Chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị, dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày.
Uống thêm sữa, trứng để cung cấp nguồn chất đạm giúp trung hòa axit. Ngoài ra, lượng chất béo có trong nhóm thực phẩm này có tác dụng ức chế việc tiết dịch dạ dày, gia tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày.
Chế biến mềm, nhừ thức ăn đồng thời ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày
Cần tránh
- Thức ăn quá nóng hoặc lạnh
- Trà, cà phê đậm, rượu và thuốc lá
- Gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, hoa quả chua, dưa chua cà muối, thức ăn lên men như tương, chao, mắm…
- Thực phẩm sống và thô, cứng chứa nhiều chất xơ như đậu đỗ, gạo lứt, một số loại rau trái (ăn rau cần chọn lá non)
Chúc bạn sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan