Chào bạn,
Vùng trước tai mỗi bên trái - phải có hai cơ quan dễ bị tổn thương gây đau là: khớp thái dương hàm (còn gọi là khớp nhai) và tuyến nước miếng mang tai. Khi khớp thái dương hàm bị viêm sẽ gây đau nhiều mỗi khi nhai, há miệng to hay ngáp, đau âm ỉ một bên hoặc hai bên. Bệnh có thể tái phát nhiều lần dẫn đến trật khớp, nhất là khi ngáp to làm hai hàm răng không cắn khít lại được và rất đau. Việc chữa trị bệnh này cần dùng thức ăn mềm, tránh cười nói nhiều, dùng thuốc kháng viêm, giảm đau theo toa của bác sĩ.
Thứ hai là bệnh lý của tuyến nước miếng mang tai (viêm tuyến, khối u). Viêm tuyến do vi-rút thuộc nhóm Paramyxo virus (còn gọi là quai bị) khiến người bệnh sốt cao 38-39ºc, đau đầu nhiều, người mệt mỏi, uể oải. Sưng to vùng trước tai - góc hàm một bên, chạm vào rất đau, một vài ngày sau bên đối diện cũng sưng đau. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ dùng thuốc giảm sốt, giảm đau, uống nhiều nước - nhất là nước chanh, cam để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh sẽ tự khỏi sau 7 đến 10 ngày và có khả năng để lại di chứng. Viêm tuyến mang tai còn có thể do vi trùng hoặc do sỏi làm tắc ống dẫn nước miếng trong tuyến, thường chỉ bị một bên. Người bệnh sốt cao, khi nói hay nuốt thấy đau, hơi thở hôi, sưng đỏ vùng trước tai - góc hàm, ấn vào rất đau, có hạch viêm sau tai. Điều trị: dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, giảm sốt. Nếu có hiện tượng tụ mủ phải rạch dẫn lưu mủ. Trường hợp viêm do sỏi phải phẫu thuật cắt tuyến cùng với sỏi. Khối u của tuyến cũng gây đau tùy thuộc u lành tính hay ác tính (ung thư) và kích thước của u.
Trường hợp của bạn có thể chỉ là viêm tuyến nước miếng mang tai đơn thuần do vi trùng bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa tai - mũi - họng để được khám và điều trị tốt hơn. Nếu để bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ làm mô tuyến phì đại và nó không nhỏ lại được, làm thay đổi hình dáng khuôn mặt, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến.