Thần Kinh

Xin chào bác sĩ, con trai tôi 17 tuổi hiện nay đang gặp một số vấn đề về chức năng ngôn ngữ mà cụ thể là nói. Sau đây là những dòng tâm sự mà cháu đã gửi bằng tin nhắn điện thoại cho tôi: Bố à. Con bị làm sao ấy, con chẳng thể nói năng được như trước kia, như những người bình thường. Con không thể nói lưu loát với tốc độ của một người bình thường... mà cho dù là nói chậm đi nữa thì con vẫn nói vấp, nói lắp. Con biết mình muốn nói gì, nhưng con thực sự gặp vấn đề trong việc phát âm chúng. Đặc biệt là với những âm từ phức tạp hay nói liên tiếp những từ cùng âm đầu với nhau như " Tôi thích thằng bé " , " cho tao mượn cây bút "Nhiều khi đứng trước mặt bạn nữ mà nói lắp ... con không biết phải chui mặt vào đâu cho đỡ xấu hổ! Thế là thế nào trong khi điểm văn con lại rất cao ?! " Đó là tòan bộ tin nhắn mà con trai tôi đã bộc bạch với tôi. Sau đó tôi cũng có dẫn cháu đi tới các bác sĩ thần kinh trong tỉnh để hỏi thăm và chạy chữa. Nhưng gần như ai cũng xua tay nói do cháu tâm lý nên vậy. Thế nhưng tôi là bố cháu, là người cùng sinh hoạt với cháu hằng ngày cũng cảm thấy điều bất thường này. Tôi cũng thấy khả năng tường thuật ( kể) chuyện của cháu cũng khá kém, nói vòng vo mà khó hiểu. Tôi thực sự rất lo lắng cho tình trạng của cháu ! Mong bác sĩ tư vấn và giúp đỡ

Nguyễn Văn Hồng

(2015/02/08 05:24)

Chào bạn,
Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Chứng nói lắp cũng có tính di truyền. Nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ. Một vài giả thuyết cho rằng có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não. Nhưng có nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố tâm lí trong việc nói lắp vì người ta thường nói lắp khi tâm trạng căng thẳng, hồi hộp hay lo lắng, run sợ... hoặc vì tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp.
Cách chữa nói lắp:\nĐiều trị bằng cách luyện tập: Nhiều chuyên gia tâm lý chuyên chữa trị tật nói lắp cho thanh thiếu niên và người lớn thường tập trung vào các biện pháp giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tình trạng lắp bắp, chẳng hạn như nói chậm, điều chỉnh nhịp thở, luyện tập nói suôn sẻ từ những câu phát âm đơn giản cho đến những câu nói phức tạp hơn. Hầu hết những bài tập này cũng đồng thời giúp người nói lắp giảm lo âu trong những hoạt động dễ gây căng thẳng như giao tiếp với mọi người hoặc nói trước đám đông.
Về dùng thuốc: Hiện nay chưa có thuốc nào chữa tật nói lắp, một số thuốc được sử dụng như thuốc an thần, chống trầm cảm, tuy nhiên không sử dụng lâu dài, những thuốc này chỉ có vai trò hỗ trợ, không có tác dụng điều trị.
Đối với tật nói lắp các biện pháp áp dụng tự luyện tập mang lại kết quả khả quan hơn.
Chúc con bạn sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan