AGIFAMCIN 300

Chỉ định

Ðiều trị tất cả các thể lao bao gồm cả lao màng não, thường phải phối hợp với các thuốc trị lao khác như isoniazid, pyrazinamid, ethambutol, streptomycin để phòng trực khuẩn đột biến kháng thuốc.
Ðiều trị phong:
Ðối với nhóm phong ít vi khuẩn, theo phác đồ kết hợp 2 thuốc, phải phối hợp rifampicin với thuốc trị phong dapson.
Ðối với nhóm phong nhiều vi khuẩn, theo phác đồ 3 thuốc, phối hợp rifampicin với dapson và clofazimin.
Một số chỉ định khác:
Phòng viêm màng não do Haemophilus influenzae và Neisseria meningitidis cho những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh chắc chắn hoặc nghi mắc các vi khuẩn đó.
Ðiều trị nhiễm khuẩn nặng do các chủng Staphylococcus kể cả các chủng đã kháng methicilin và đa kháng (phối hợp với các thuốc chống tụ cầu).
Nhiễm Mycobacterium không điển hình (M. avium) ở người bệnh AIDS cũng phải phối hợp với các thuốc kháng khuẩn khác cũng giống như điều trị lao.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với rifampicin.
Rối loạn chuyển hóa porphyrin ở những người nhạy cảm, do một cơ chế có liên quan tới việc gây cảm ứng enzym cytochrom P450 ở gan.

Tương tác thuốc

Rifampicin gây cảm ứng enzym cytochrom P450 nên làm tăng chuyển hóa và bài tiết, vì vậy làm giảm tác dụng của 1 số thuốc khi dùng đồng thời.

Các thuốc nên tránh dùng phối hợp với rifampicin là isradipin, nifedipin và nimodipin.

Các thuốc sau đây khi phối hợp với rifampicin thì cần phải điều chỉnh liều: Viên uống tránh thai, ciclosporin, diazepam, digitoxin, thuốc chống đông máu dẫn chất dicoumarol, disopyramid, doxycyclin, phenytoin, các glucocorticoid, haloperidol, ketoconazol, erythromycin, clarithromycin, cloramphenicol, theophylin, verapamil...

Một số thuốc khi dùng với rifampicin sẽ làm giảm hấp thu của rifampicin như: các kháng acid, bentonit, clofazimin... Khắc phục bằng cách uống riêng cách nhau 8 - 12 giờ.

Ngoài ra isoniazid và các thuốc có độc tính với gan khi dùng phối hợp với rifampicin sẽ làm tăng nguy cơ gây độc tính với gan, nhất là người suy gan.

Tác dụng phụ

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR >1/100
Tiêu hóa: Ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, chán ăn.
Da: Ban da, ngứa kèm theo ban hoặc không.
Nội tiết: Rối loạn kinh nguyệt.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Ðau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, sốt.
Thần kinh: Ngủ gà, mất điều hòa, khó tập trung ý nghĩ.
Gan: Tăng transaminase, tăng phosphatase kiềm, tăng bilirubin huyết thanh, vàng da và rối loạn porphyrin thoáng qua.
Mắt: Viêm kết mạc xuất tiết.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Toàn thân: Rét run, sốt.
Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin và thiếu máu tan huyết.
Tiêu hóa: Viêm đại tràng màng giả.
Da: Ngoại ban, ban xuất huyết.
Hô hấp: Khó thở.
Tiết niệu: Suy thận nặng.
Cơ: Yếu cơ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR

Phản ứng miễn dịch toàn thân như rét run, sốt hiếm gặp trong thời gian điều trị liên tục. Trong trường hợp có ban hoặc xuất huyết hoặc giảm đột ngột chức năng thận thì phải ngừng rifampicin ngay (hay gặp trong điều trị gián đoạn). Giảm chức năng thận trước khi dùng rifampicin không cản trở việc điều trị, tuy nhiên cần phải giảm liều (các lần uống cách xa nhau). Với người bệnh cao tuổi, người nghiện rượu hoặc bị các bệnh về gan sẽ tăng nguy cơ độc với gan, nhất là khi rifampicin kết hợp với isoniazid.

Chú ý đề phòng

Với người suy gan, phải theo dõi chức năng gan trong quá trình điều trị. Vì rifampicin gây cảm ứng enzym nên phải đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin tiềm tàng do quá trình hoạt hóa acid delta - amino levulinic synthetase. Cũng do hệ thống enzym ở trẻ đẻ non và trẻ mới sinh chưa hoàn thiện nên chỉ dùng rifampicin cho các người bệnh này khi thật cần thiết.

Dùng rifampicin phối hợp với isoniazid và pyrazinamid sẽ làm tăng độc tính với gan. Cần phải cân nhắc giữa nguy cơ gây tai biến và nhu cầu điều trị.

Khi tiêm truyền tĩnh mạch phải cẩn thận, tránh thoát mạch.

Phải báo trước cho người bệnh biết rằng phân, nước tiểu, nước bọt, nước mắt, mồ hôi và các dịch khác của cơ thể sẽ có màu đỏ trong khi đang dùng thuốc để tránh lo lắng không cần thiết. Kính sát tròng có thể bắt màu vĩnh viễn.

Thời kỳ mang thai

Dùng rifampicin cho phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối có thể xuất huyết do giảm prothrombin - huyết ở cả người mẹ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, để tránh xuất huyết, dùng thêm vitamin K dự phòng cho người mẹ mang thai, sau khi sinh và cả trẻ sơ sinh.

Các thí nghiệm trên súc vật cho thấy rifampicin có khả năng gây dị tật ở xương. Vì vậy rifampicin chỉ dùng cho phụ nữ mang thai khi đã xem xét cẩn thận các rủi ro và nhu cầu.

Thời kỳ cho con bú

Rifampicin đào thải qua sữa mẹ nhưng hầu như không xảy ra nguy cơ với trẻ.

Liều lượng

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng
Ðiều trị lao
Phải phối hợp với các thuốc trị lao khác như isoniazid, streptomycin, ethambutol... theo phác đồ ở chuyên luận pyrazinamid.
Liều dùng cho người lớn và trẻ em: 10 mg/kg, tối đa 600mg, ngày 1 lần hoặc 2 - 3 lần/tuần.
Ðiều trị phong: Phải phối hợp với các thuốc điều trị phong khác như dapson và clofazimin.
Với nhóm người bệnh nhiều vi khuẩn: Dùng liên tục 24 tháng theo phác đồ sau:
Từ 0 - 5 tuổi, rifampicin 150 - 300mg 1 lần/tháng và clofazimin 100mg 1 lần/tháng hoặc 100 mg/tuần 1 lần/tuần và dapson 25 mg 1 lần/ngày;
Từ 6 - 14 tuổi, rifampicin 300 - 450mg 1 lần/tháng và clofazimin 150 - 200mg 1 lần/tháng hoặc 150mg/tuần 1 lần/tuần và dapson 50 - 100mg 1 lần/ngày;
Với người lớn từ 15 tuổi trở lên, rifampicin 600mg 1 lần/tháng và clofazamin 300mg 1 lần/tháng hoặc 50mg/ngày 1 lần/tuần và dapson 100mg 1 lần/ngày.
Với nhóm người bệnh ít vi khuẩn, dùng liên tục 6 tháng như sau:
Từ 0 - 5 tuổi, rifampicin 150 - 300mg 1 lần /tháng và dapson 25mg 1 lần/ngày;
Từ 6 - 14 tuổi, rifampicin 300 - 450mg 1lần/tháng và dapson 50 - 100mg 1 lần/ngày;
Với người lớn từ 15 tuổi trở lên, rifampicin 600mg 1 lần/tháng và dapson 100mg 1 lần/ngày.
Dự phòng viêm màng não:
Do Haemophilus influenzae:
Trẻ em dưới 1 tháng: 10mg/kg thể trọng, ngày 1 lần, dùng 4 ngày.
Trẻ em từ 1 tháng trở lên: 20mg/kg thể trọng, ngày 1 lần, dùng 4 ngày.
Người lớn: 600mg, ngày 1 lần, dùng 4 ngày.
Do Neisseria meningitidis:
Trẻ em dưới 1 tháng: 5mg/kg thể trọng, ngày 2 lần, liền 2 ngày.
Trẻ em từ 1 tháng trở lên: 10mg/kg thể trọng, ngày 2 lần, liền 2 ngày.
Người lớn: 600mg, ngày 2 lần, 2 ngày liền.
Ðiều trị tụ cầu vàng kháng methicilinVancomycin tiêm tĩnh mạch cứ 12 giờ tiêm 1 gam, kèm theo uống rifampicin 600mg, 12 giờ/lần và uống natri fusidat 500mg, 8 giờ/lần. Ðợt điều trị từ 2 - 6 tuần, tùy thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn.
Cách dùng
Uống: Nên uống rifampicin vào lúc đói với 1 cốc nước đầy (1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn). Tuy nhiên nếu bị kích ứng tiêu hóa thì có thể uống sau khi ăn. Uống thuốc duy nhất vào 1 lần trong ngày.
Tiêm: Chỉ tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch và tránh thoát mạch. Không được tiêm bắp hoặc dưới da.
Cách pha dung dịch truyền tĩnh mạch: hòa 600mg thuốc vào 10ml dung môi rồi pha vào 500ml dung dịch dextrose 5% (là tốt nhất), hoặc nước muối sinh lý và truyền tĩnh mạch chậm, thời gian truyền trong 3 giờ. Cũng có thể pha thuốc vào 100ml dung dịch dextrose 5% và truyền trong thời gian 30 phút.

Giá tham khảo

Đang cập nhật

Thuốc liên quan