Các chế phẩm amoxicilin + clavulanat được dùng để điều trị trong thời gian ngắn các trường hợp nhiễm khuẩn sau:
Nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp trên: Viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa đã được điều trị bằng các kháng sinh thông thường nhưng không đỡ.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới bởi các chủng H. influenzae và Branhamella catarrbalis sản sinh beta – lactamase: Viêm phế quản cấp và mạn, viêm phổi – phế quản.
Nhiễm khuẩn nặng đường tiết niệu – sinh dục bởi các chủng E.coli, Klebsiella và Enterobacter sản sinh: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm bể thận (nhiễm khuẩn đường sinh dục nữ).
Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Mụn nhọt, áp xe, nhiễm khuẩn vết thương.
Nhiễm khuẩn xương và khớp: Viêm tủy xương.
Nhiễm khuẩn nha khoa: Áp xe ổ răng.
Nhiễm khuẩn khác: Nhiễm khuẩn do nạo thai, nhiễm khuẩn máu sản khoa, nhiễm khuẩn trong ổ bụng (tiêm tĩnh mạch trong nhiễm khuẩn máu, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn sau mổ, đề phòng nhiễm khuẩn trong khi mổ dạ dày – ruột, tử cung, đầu và cổ, tim, thận, thay khớp và đường mật).
Dị ứng với nhóm beta – lactam (các penic ilin, và cephalosporin).
Cần chú ý đến khả năng dị ứng chéo với các kháng sinh beta – lactam như các cephalosporin. Chú ý đến người bệnh có tiền sử vàng da/rối loạn chức năng gan do dùng amoxicilin và clavulanat hay các penicilin vì acid clavulanic gây tăng nguy cơ ứ mật trong gan.
Thuốc có thể gây kéo dài thời gian chảy máu và đông máu. Vì vậy cần phải cẩn thận đối với những người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống đông máu.
Giống các kháng sinh có phổ tác dụng rộng, thuốc có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc tránh thai uống, do đó cần phải báo trước cho người bệnh.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN (ADR):
Với liều bình thường, tác dụng không mong muốn thể hiện trên 5% số người bệnh; thường gặp nhất là những phản ứng về tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn. Tỷ lệ phản ứng này tăng lên khi dùng liều cao hơn và thường gặp nhiều hơn so với dùng đơn chất amoxicilin.
Thường gặp, ADR > 1/100:
Tiêu hóa: Ỉa chảy.
Da: Ngoại ban, ngứa.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100:
Máu: Tăng bạch cầu ái toan.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Gan: Viêm gan và vàng da ứ mật, tăng transaminase. Có thể nặng và kéo dài trong vài tháng.
Da: Ngứa, ban đỏ, phát ban.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000:
Toàn thân: Phản ứng phản vệ, phù Quincke.
Máu: Giảm nhẹ tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tan máu.
Tiêu hóa: Viêm đại tràng giả mạc.
Da: Hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ đa dạng, viêm da bong, hoại tử biểu bì do ngộ độc.
Thận: Viêm thận kẽ.
HƯỚNG DẪN CÁCH XỬ TRÍ ADR:
Khi có phản ứng phản vệ trầm trọng nên xử lý ngay bằng epinephrin, oxy, corticoid tiêm tĩnh mạch, thông khí.
Tăng vừa transaminase: Ý nghĩa lâm sàng chưa được biết rõ. Cần chú ý người bệnh cao tuổi và người lớn, đề phòng phát hiện viêm gan ứ mật.
Ban ngứa, ban đỏ, hội chứng Stevens – Johnson, viêm da bong: Phải ngừng thuốc.
Viêm đại tràng giả mạc:
Nếu nhẹ: Ngừng thuốc.
Nếu nặng (khả năng do Clostridium difficile): Bồi phụ nước và điện giải, kháng sinh chống Clostridium.
Ðối với những người bệnh có biểu hiện rối loạn chức năng gan:Các dấu hiệu và triệu chứng vàng da ứ mật tuy ít xảy ra khi dùng thuốc nhưng có thể nặng. Tuy nhiên những triệu chứng đó thường hồi phục được và sẽ hết sau 6 tuần ngừng điều trị.
Ðối với những người bệnh suy thận trung bình hay nặng cần chú ý đến liều lượng dùng (xem phần liều dùng).
Ðối với những người bệnh có tiền sử quá mẫn với các penicilin có thể có phản ứng nặng hay tử vong (xem phần chống chỉ định).
Ðối với những người bệnh dùng amoxicilin bị mẩn đỏ kèm sốt nổi hạch.
Dùng thuốc kéo dài đôi khi làm phát triển các vi khuẩn kháng thuốc.
Cần chú ý đối với những người bệnh bị phenylceton – niệu vì các hỗn dịch có chứa 12,5mg aspartam trong 5ml.
Khi tiêm tĩnh mạch liều cao cần duy trì cân bằng lượng dịch xuất nhập để giảm thiểu hiện tượng sỏi – niệu. Phải kiểm tra thường xuyên các ống thông bàng quang để tránh hiện tượng kết tủa gây tắc khi có nồng độ chế phẩm cao trong nước tiểu ở nhiệt độ thường.
Thời kỳ mang thai:Nghiên cứu thực nghiệm trên quá trình sinh sản của chuột đã chứng minh khi dùng chế phẩm theo đường uống và tiêm đều không gây dị dạng. Tuy nhiên, vì còn ít kinh nghiệm về dùng chế phẩm cho người mang thai, nên cần tránh sử dụng thuốc ở người mang thai nhất là trong 3 tháng đầu, trừ trường hợp cần thiết do thầy thuốc chỉ định.
Thời kỳ cho con bú:Trong thời kỳ cho con bú có thể dùng chế phẩm. Thuốc không gây hại cho trẻ đang bú mẹ trừ khi có nguy cơ bị mẫn cảm do có một lượng rất nhỏ thuốc.
LIỀU DÙNG:
DẠNG UỐNG:
Liều lượng thường được biểu thị dưới dạng amoxicilin trong hợp chất. Vì các viên bao phim amoxicilin + clavulanat chứa 250mg amoxicilin theo tỷ lệ 2:1 khác với các viên chứa theo tỷ lệ 4:1 nên không thể thay thế nhau được (thí dụ 2 viên 250mg không tương đương với 1 viên 500mg; 1 viên 250mg không tương đương với 1 viên nhai 250 mg). Trẻ em cân nặng dưới 40kg không được dùng viên bao phim 250mg.
Liều người lớn: uống1 viên 250mg (chứa 250mg amoxicilin và 125mg acid clavulanic) cách 8giờ/lần.Ðối với nhiễm khuẩn nặng và nhiễm khuẩn đường hô hấp: 1 viên 500mg (chứa 500mg amoxicilin + 125mg acid clavulanic) cách 8 giờ/lần, trong 5 ngày.
Liều trẻ em: Trẻ em từ 40kg trở lên, uống theo liều người lớn.
Trẻ em dưới 40kg cân nặng: Liều thông thường: 20 mg/kg amoxicilin/ngày, chia làm nhiều lần cách nhau 8 giờ. Ðể điều trị viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và nhiễm khuẩn nặng, liều thông thường: 40mg amoxicilin/kg/ngày chia làm nhiều lần cách nhau 8 giờ, trong 5 ngày. Trẻ em dưới 40kg cân nặng không được dùng viên bao phim 250mg.Ðiều trị không được vượt quá 14 ngày mà không khám lại.
Suy thận: Khi có tổn thương thận, phải thay đổi liều và/hoặc số lần cho thuốc để đáp ứng với tổn thương thận. Nếu độ thanh thải creatinin lớn hơn 30 ml/phút: Liều không cần thay đổi. Nếu độ thanh thải creatinin 15 – 30ml/phút: liều thông thường cho cách nhau 12 – 18 giờ/lần. Nếu độ thanh thải creatinin 5 – 15ml/phút, liều thông thường cho cách nhau 20 – 36 giờ/lần, và người lớn có độ thanh thải creatinin dưới 5ml/phút: cho liều thông thường cách nhau 48 giờ/lần. Nếu chạy thận nhân tạo, cho 1 viên 500mg (chứa 500mg amoxicilin và 125mg acid clavulanic) giữa thời gian mỗi lần thẩm phân và thêm 1 viên 500mg sau mỗi lần thẩm phân.
Liều người lớn trong suy thận: Thẩm phân máu: Liều ban đầu 1g, sau đó 500mg/ngày, thêm một liều bổ sung 500mg sau khi thẩm phân.
Liều trẻ em trong suy thận: Thẩm phân máu: 25mg/kg từng 24 giờ; thêm 1 liều bổ sung 12,5mg/kg, sau khi thẩm phân; tiếp sau đó là 25mg/kg/ngày.
DẠNG TIÊM:
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Tiêm tĩnh mạch trực tiếp rất chậm hoặc tiêm truyền nhanh 1g/lần, cứ 8 giờ tiêm 1 lần. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn, có thể hoặc tăng liều tiêm (cứ 6 giờ tiêm 1 lần) hoặc tăng liều lên tới 6g/ngày. Không bao giờ vượt quá 200mg acid clavulanic cho mỗi lần tiêm.
Dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật: Tiêm tĩnh mạch 1g vào lúc gây tiền mê. Những ca mổ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, thí dụ mổ kết -trực tràng, có thể phải cần 3 đến 4 liều 1g chế phẩm trong vòng 24 giờ (thường là vào các thời điểm 0, 8, 16 và 24 giờ). Có thể phải tiếp tục tiêm như vậy trong vài ngày nếu nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên.
Trẻ em, trẻ đang bú, trẻ sơ sinh: Dùng loại lọ tiêm 500mg. Không vượt quá 5mg/kg thể trọng đối với acid clavulanic cho mỗi lần tiêm.
Trẻ em từ ba tháng đến 12 tuổi: 100mg/kg/ngày, chia làm 4 lần, tiêm tĩnh mạch trực tiếp rất chậm hoặc tiêm truyền. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, có thể dùng tới 200mg/kg/ngày, chia làm 4 lần tiêm truyền. Liều tối đa của acid clavulanic là 20mg/ngày.
Trẻ sơ sinh trên 8 ngày tuổi và trẻ em dưới 3 tháng tuổi: Từ 100mg đến 150mg/kg/ngày chia làm 3 lần tiêm truyền. Liều tối đa của acid clavulanic là 15mg/kg/ngày.
Trẻ đẻ thiếu tháng và trẻ sơ sinh dưới 8 ngày tuổi: 100mg/kg/ngày, chia làm hai lần tiêm truyền. Liều tối đa của acid clavulanic là 10mg/kg/ngày.
CÁCH DÙNG:
Uống thuốc vào lúc bắt đầu ăn để giảm thiểu hiện tượng không dung nạp thuốc ở dạ dày – ruột. Viên phân tán được khuấy trong một ít nước trước khi uống.Không dùng thuốc quá 14 ngày mà không kiểm tra xem xét lại cách điều trị.
Thuốc chỉ tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, không tiêm bắp. Tiêm tĩnh mạch trực tiếp rất chậm trong 3 phút, tiêm truyền khoảng 30 phút.Chỉ pha dung dịch trước khi tiêm. Khi pha có thể thấy dung dịch có mầu hơi hồng nhất thời rồi chuyển sang vàng nhạt hoặc hơi có ánh trắng sữa: Phải pha với nước cất pha tiêm hoặc dung dịch natri clorid pha tiêm 0,9%. Ðể tiêm truyền, có thể dùng dung dịch lactat natri (M/6), dung dịch Ringer hoặc Hartmann. Không được pha với các dung dịch chứa glucose, natri bicarbonat hoặc dextran. Nói chung, không nên trộn thuốc trong cùng bơm tiêm hoặc bình tiêm truyền với 1 thuốc khác, nhất là corticoid hoặc aminoglycosid. Thuốc tương kỵ với sucinat hydrocortison, dung dịch acid amin, dịch thủy phân protein, nhũ dịch lipid, hydroclorid neosynephrin, dung dịch manitol.
Ðộ bền của dung dịch chế phẩm phụ thuộc theo nồng độ. Vì vậy sau khi pha, phải dùng ngay. Thể tích pha và thời hạn dùng theo quy định.
65.0 VNĐ/Lọ