Chào bạn,
Đau khớp khi thời tiết thay đổi là tình trạng thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Nguyên nhân là do: sự thay đổi của thời tiết như nóng, lạnh bất thường… kéo theo hàng loạt sự thay đổi bên trong của cơ thể con người. Khi đó, độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối hay nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể… đều thay đổi. Chính điều này gây ra các đợt đau nhức xương khớp, hạn chế vận động ở người bệnh.
Một số nghiên cứu cho rằng chính do áp suất khí quyển khi trời lạnh gây ra hiện tượng đau khớp. Bởi bình thường, áp suất khí quyển cao sẽ đẩy từ bên ngoài vào cơ thể khiến cho các mô không nở rộng ra được. Khi thời tiết xấu, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho các khớp. Đặc biệt là với người bệnh mắc bệnh khớp mạn tính thì dây thần kinh có thể nhạy cảm hơn.
Thời tiết lạnh, độ ẩm có thể tăng cao do các đợt mưa phùn khiến gân cơ co rút lại, dịch khớp đông quánh khiến khớp thiếu chất nhờn để co duỗi bình thường. Bên cạnh đó, vào mùa lạnh nhiều người thường lười vận động, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng đau nhức xương khớp tăng nặng hơn.
Mùa lạnh khiến chức năng hoạt động ở cơ thể người già hoạt động kém, khiến lượng máu lưu thông không đủ để nuôi dưỡng cơ xương khớp, làm tình trạng thoái hóa xương khớp nghiêm trọng hơn, gây đau nhức dữ dội.
Để hạn chế tình trạng đau khớp khi trời lạnh, người bệnh cần có chế độ ăn uống, chế độ luyện tập, sinh hoạt phù hợp, điều độ. Đặc biệt cần giữ ấm khi trời lạnh, nên đội mũ, đeo găng tay, tất chân và không nên ra ngoài khi trời mưa phùn. Có thể ngâm nước muối, xoa bóp, chườm nóng… để giảm đau và giúp xương khớp thư giãn hơn.
Người bệnh nên đến chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
Thân ái!