Sản Phụ Khoa

Chào Bác sĩ! Năm nay cháu đã 30t, đã có 1 bé gái 3t. Trước khi sinh bé, kinh nguyệt của cháu rất tốt. Nhưng sau khi sinh bé xong, kinh nguyệt của cháu k tốt. Mỗi chu kì kinh nguyệt đều bắt đầu từ khoảng ngày 12,13; nhưng chỉ ra màu nâu nâu, hồng hồng và ít (chỉ dùng BVS hàng ngày) trong khoảng 3-4 ngày; sau đến khoảng ngày 17 mới ra bình thường, ra khoảng 3 ngày bình thường, sau đó k hết mà cứ ra ít ít và kéo dài trong 4-5 ngày nữa. Vậy là 1 lần kéo dài khoảng 10-15 ngày! em đã đi khám và đc kết luận bình thường, lần gần đây em có đi khám lại (ngày 3/11/2015) thì BS có nói nội mạc dày 18mm. Em muốn khắc phục tình trạng này và đang muốn có em bé, mong BS tư vấn giúp em!

Phạm Thúy Anh

(2015/11/04 15:38)

Chào bạn,
Niêm mạc tử cung (NMTC) có 2 lớp, gọi nôm na là lớp “đất nền” và “đất bề mặt”. Lớp “đất bề mặt” ngày càng dày lên và thu góp chất dinh dưỡng, tạo một “tổ ấm” để đón trứng đã thụ tinh đến làm tổ.
Quá trình “xây dựng tổ ấm” này do rất nhiều “thợ nữ” estrogen và “thợ nam” progesterone - là các nội tiết tố trong cơ thể - phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Trước khi rụng trứng, tức là trước khi “nàng” trứng rời buồng trứng để đi tìm “chàng” tinh binh của mình, lớp “đất bề mặt” của NMTC dày lên chủ yếu nhờ estrogen; còn sau rụng trứng, quá trình này do cả estrogen và progesterone kết hợp.
NMTC dày nhất vào lúc trước hành kinh. Sau đó, nếu “nàng” trứng không tìm được “một nửa” ưng ý, các “thợ xây” estrogen và progesterone cũng bị “sa thải” đột ngột, không còn ai chống đỡ cái “tổ ấm mơ ước” và kết quả là NMTC bong ra gây hiện tượng hành kinh, chuẩn bị cho 1 chu kì kinh nguyệt mới.
Nhưng đôi khi lớp “đất bề mặt” này lại được xây dày quá tay, gây nên một hiện tượng gọi là “Tăng sinh nội mạc tử cung”.
Chính vì tăng sinh bất thường, chu kì kinh nguyệt cũng rối loạn theo, gây rong kinh, rong huyết,
Nguyên nhân thường do “thợ nữ” estrogen đông đảo hoặc hăng hái quá, trong khi “thợ nam” progesterone lại yếm thế, không đủ sức “kìm hãm” estrogen lại.
Tình trạng “mất cân bằng lực lượng” này thường xảy ra ở những phụ nữ dùng thuốc chứa estrogen liên tục không kèm thuốc chứa progesterone, ở phụ nữ béo phì hoặc có những chu kì
không rụng trứng như trường hợp buồng trứng đa nang. \nĐây cũng là lý do tại sao bệnh lý này thường điều trị với progestin, mục đích để tái thiết lập cân bằng quân số với estrogen,.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác của bệnh lý này cũng như dạng tăng sinh NMTC, cần phải làm 1 thủ thuật là nạo sinh thiết buồng tử cung.
Về điều trị bệnh lý này, tất nhiên sau khi đã loại trừ nguy cơ ác tính, chủ yếu là sử dụng progestin.
Progestin ở đây có thể dùng đường uống, đường đặt âm đạo hoặc dụng cụ tử cung. Liều lượng và thời gian điều trị như thế nào tùy thuộc vào tuổi và dạng tăng sinh NMTC của bạn.

Vì vậy, trong trường hợp của bạn, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để làm rõ các vấn đề sau:
- Chẩn đoán chính xác bệnh lý gây NMTC dày của bạn là gì: do tăng sinh NMTC hay do một bệnh lý khác như ung thư NMTC, dù hiếm gặp ở phụ nữ trẻ nhưng vẫn cần loại trừ.
- Nếu là tăng sinh NMTC thì ở dạng nào, có nguy cơ hóa ác tính không.
Nếu như đã loại trừ nguy cơ ác tính, bạn nên thảo luận thêm với BS điều trị để tìm ra nguyên nhân chính gây NMTC dày (rối loạn phóng noãn, béo phì, do dùng thuốc estrogen liên tục hay tăng sinh NMTC chưa rõ nguyên nhân,…), cũng như hướng điều trị tiếp theo tùy theo tuổi và nguyên nhân.
Về cơ hội mang thai, nếu hai vợ chồng bạn quan hệ tình dục đều đặn trong 1 năm mà vẫn chưa có con, bạn nên đến khám ở các trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn. Điều quan trọng là nguyên nhân có thể không chỉ từ phía bạn, cần phải khám và xét nghiệm song song hai vợ chồng.
Bên cạnh đó, bản thân tình trạng tăng sinh NMTC có thể gây khó đậu thai do mất cân bằng về nội tiết tố của nội mạc tử cung.
Quan trọng hơn là cần phải tìm ra nguyên nhân đằng sau bệnh lý tăng sinh NMTC như rối loạn phóng noãn, buồng trứng đa nang,… vì đó có thể đó chính là nguyên nhân làm giảm cơ hội có con của bạn.
Chúc bạn điều trị thành công.\n Thân mến,

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan