Sản Phụ Khoa

Năm nay cháu 21 tuổi, ngày 5/5/2015 cháu vừa sinh con và 6/6/2015 phải đi tiểu phẫu do có khối u nhỏ ở phía trên ngực phải, bác sĩ bảo là do abcess vì trước đó cháu bị sốt tắc sữa. Sau đó cháu phải sang Đức du học vào ngày 8/7/2015, đến ngày 23/7/2015 thì cháu lên cơn sốt và vú phải có cảm giác nóng, đau, sau khi hạ sốt thì tòan bộ vú phải dần trở nên cứng và đến giờ vẫn rất cứng nên cháu rất lo... Hôm qua đến chu kì kinh nguyệt thì nó lại tiếp tục sốt và ngực cũng đau trở lại, hôm nay lại hết sốt và lại không đau, vẫn cứng tiếp. Bác sĩ cho cháu hỏi sau khi phẫu thuật thì ngực có thể bị tái khối u, hay chuyển thành ung thư hay không, vì cháu sắp phải thi, lại chưa mua bảo hiểm nên giờ cũng không biết làm sao. Cảm ơn ạ.

Như Nguyễn

(2015/08/04 00:32)

Chào bạn,
Để chẩn đoán chính xác bệnh, chúng tôi cần phải khám trực tiếp. Tuy nhiên, qua những gì bạn mô tả thì có khả năng bạn bị áp xe vú. Áp xe vú là tình trạng trong vú có nang giống túi chứa đầy mủ và bao quanh bởi các mô viêm. Một người bị áp xe vú thường do biến chứng của bệnh viêm vú, tình trạng viêm và nhiễm trùng của các mô vú. Viêm và áp xe vú là do xâm nhập của vi khuẩn vào các mô vú thông qua núm vú, gây ra nhiễm khuẩn các ống dẫn sữa và các tuyến sữa.
Áp xe vú là bệnh lý khá phổ biến, gặp nhiều nhất ở phụ nữ cho con bú vì sữa mẹ có thể gây nứt núm vú tạo điều kiện cho phép vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vú. Áp xe vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc người ít vệ sinh cá nhân. Trong trường hợp hiếm gặp, viêm vú và áp xe vú có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, áp xe vú phổ biến nhất là do nhiễm trùng vi khuẩn.
Áp xe vú do tắc sữa chủ yếu như sau: Sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú; dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, có những trường hợp, trên dòng chảy vì một lý do nào đó mà lòng ống dẫn hẹp, hoặc bít lại (có thể do chèn ép từ ngoài vào hoặc bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác và tạo ra các vòng xoắn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm. Ngoài ra, có những trường hợp sau khi sinh, bà mẹ không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú; hoặc cũng có thể do mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông. Sữa là môi trường giàu chất dinh dưỡng nên sau khi tắc sữa, vi khuẩn phát triển rất nhanh và hoá mủ.
Vùng vú bị áp xe lúc đầu sưng nóng đỏ, cứng và rất đau nhức kèm theo sốt và nổi hạch. Khi đã hoá mủ thì có vùng mềm (nếu mủ không được thoát ra ngoài sẽ đóng kén xung quanh và xơ hoá cứng.
Nếu một áp xe vú không được phát hiện, điều trị tích cực, triệt để sẽ tạo thành khối viêm mãn, dễ tái phát và vùng này, các tuyến sữa bị tổn tương không còn chức năng tiết sữa nữa; thậm chí, nó có thể dẫn đến hoại tử. Các nhiễm trùng từ ổ áp xe vú cũng có thể lan sang các mạch máu đi toàn cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí biến chứng đe doạ tính mạng, chẳng hạn như: Nhiễm trùng huyết, suy thận và có thể tử vong.
Bởi vậy, trước tiên, cần phải có ý thức phòng ngừa bệnh bằng cách: Duy trì tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, tắm rửa cơ thể bằng xà phòng và nước. Với phụ nữ cho con bú luôn vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú. Dùng khăn sạch, nhúng nước ấm để lau sạch đầu vú. Trước khi cho bé bú, các bà mẹ cần lau sạch đầu vú, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bé bú. Nếu trẻ bú không hết sữa, cần nặn hết sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa.
Áp xe vú thường gây ra bởi một nhiễm trùng do vi khuẩn. Bởi vậy, khi bị áp xe vú, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để hỗ trợ điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống tăng nước, bảo đảm dinh dưỡng tốt và sử dụng một khăn ấm áp cho vú và vùng bị viêm. Phụ nữ cho con bú có thể phải ngưng cho con bú bên vú bị ảnh hưởng cho đến khi áp xe vú và nhiễm trùng khỏi hoàn toàn. Với bên vú không bị áp xe vẫn cho trẻ bú bình thường. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải chỉ định chích rạch chỗ vú bị áp xe hoặc mổ để hút dịch mủ ứ đọng.
Điều quan trọng là khi bị tắc tia sữa sau khi sinh con, nếu thấy tình hình không được cải thiện, các bà mẹ cần đến gặp các bác sĩ để điều trị ngay, tránh để lâu dẫn đến bị áp xe vú. Và khi đã bị áp xe vú, người dân phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan