Chào bạn,
Viêm loét vùng niêm mạc miệng là một bệnh lành tính, thuộc về răng miệng, rất hay gặp. Thông thường bệnh xuất hiện do sức đề kháng của cơ thể giảm hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, chứng lở miệng còn do nhiều nguyên nhân gây nên, do nhiễm khuẩn, virus, hay do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó, hoặc khi cơ thể thiếu vitamin làm cho sức đề kháng niêm mạc miệng giảm và dẫn đến tổn thương. Hiện nay người ta còn nhận thấy, ở những người bị stress nặng và liên tục mức độ lở miệng cũng xảy ra nhiều hơn. Bệnh cũng có thể xảy ra ở các người bị các bệnh lý khác như tiểu đường, xơ gan, nhiễm nấm Candida…Bệnh tưởng chừng như nhẹ và vô hại song nhiều khi kéo dài, hay tái phát và điều trị cũng đôi lúc gặp nhiều khó khăn.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là xuất hiện một hay nhiều mụn nước, màu vàng và khó thấy trong vòm miệng. Khoảng vài giờ sau, các mụn nước này vỡ ra, để lại vết loét hình tròn, kích thước bằng đầu đũa, gây đau và rát khi ăn uống, nhất là lúc ăn mặn hoặc đồ chua. Vết loét thường nằm ở niêm mạc má, bề mặt hoặc dưới lưỡi và lợi. Bệnh thường gặp ở nữ giới và trẻ em.
Việc điều trị tốt nhất là tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Khi bệnh thường xuyên tái phát, chúng ta cần tìm ra bệnh khác là nguyên nhân gây nên căn bệnh lành tính này, qua đó mới có thể điều trị đặc hiệu dứt điểm bệnh được. Một khi bênh nguyên nhân được điều trị khỏi thì lở miệng cũng sẽ thoái lui.
Để ngăn ngừa chứng lở miệng bạn nên tránh các thức ăn gây kích thích như tiêu, ớt… Cần bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, PP và vitamin C hằng ngày, để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nếu có điều kiện có thể uống mỗi ngày một vài ly bột sắn pha.
Ngoài ra bạn nên chú ý việc vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối hàng ngày. Khi đánh răng cần tránh làm tổn thương niêm mạc miệng do chà sát quá mạnh. Những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh là nguyên nhân gây ra loét miệng.
Chúc bạn sức khỏe!