Sản Phụ Khoa

Chào bác sĩ! Em tên là Mai ở Cần Thơ. Năm nay em 33 tuổi, đã có 01 bé được 3 tuổi. Trong thời gian mang thai thường bị ra huyết và bị sụt thai, đi khám BS thì BS nói có nguy cơ sinh sớm khi thai được 7 tháng. BS khuyên về nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, phải nằm kê gối cho mông cao lên. Nhưng sau đó đến 9 tháng thì vẫn sinh bé ra bình thường (sớm 1 tuần lễ so với dự sinh). Sau khi sinh kéo dài 2 tháng nhưng vẫn bị ra huyết với số lượng ít và kéo theo tình trạng viêm nhiễm âm đạo (có đi khám BS) BS theo dõi và cho uống thuốc kháng sinh chống viêm uống nhưng không hết, vẫn kéo dày tình trạng viêm nhưng không ra huyết. Đến nay tình trạng viêm nhiễm vẫn còn,kinh nguyệt không điều đặn mặc dù có đến BV phụ sản Phương Châu để khám, điều trị và xét nghiệm tổng quát có kết quả là bị viêm lộ tuyến cổ tử cung điều trị bằng thuốc uống và đặt trong 4 tháng nhưng không hết, BS cho biết phải đốt điện nhưng chưa đốt, tình trạng bệnh đến nay vẫn còn. Xin hỏi ý kiến Bác sĩ là tình trạng bệnh của em hiện nay phải điều trị như thế nào, ở đâu và cách vệ sinh, sinh hoạt của cá nhân như thế nào để hết bệnh (vì khi bị viêm lộ tuyến thường bị huyết trắng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày). Tên thuốc BS đã điều trị: Neo-Penotran, Vitamin E; Colpotrophine Cap 10mg; Colseptine và một số thuốc bổ và thuốc rữa khác. Mong sớm được sự tư vấn của bác sĩ, em xin chân thành cảm ơn. Kính chào bác sĩ

Trần Thị Ngọc Mai

(2014/11/27 05:41)

Chào bạn,
Lộ tuyến cổ tử cung là một tổn thương lành tính ở cổ tử cung, hay gặp ở phụ nữ đã qua sinh đẻ, do các tế bào tuyến trong ống cổ tử cung phát triển lan ra phía ngoài. Do các tế bào tuyến có chức năng tiết dịch nên người bị lộ tuyến thường có nhiều chất dịch ở âm đạo hơn bình thường và do đó dễ bị viêm âm đạo hơn do vi khuẩn có hại có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Bên cạnh đó tình trạng lộ tuyến cổ tử cung cũng rất dễ dẫn đến viêm cổ tử cung (và người ta thường gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung). Để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung thì có thể sử dụng một số biện pháp như đặt thuốc ở âm đạo (sát cổ tử cung), uống thuốc hoặc phải dùng các biện pháp diệt tuyến như đốt điện, áp lạnh... bởi nếu lộ tuyến không được điều trị khỏi thì viêm nhiễm dễ tái phát. Đốt lộ tuyến cổ tử cung là một thủ thuật y tế được thực hiện khá nhanh chóng và không gây đau đớn nhiều, tuy nhiên, lại có điểm bất lợi là dễ để lại sẹo ở cổ tử cung, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc xâm nhập sâu vào bên trong đường sinh sản của tinh trùng hoặc dễ gây vỡ, rách cổ tử cung trong quá trình sinh em bé, do đó, biện pháp này thường được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện đối với bạn gái chưa sinh con hoặc chưa sinh đủ số con mong muốn.
Trong trường hợp nếu bạn bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bạn đã đi thăm khám trực tiếp và có tư vấn chữa trị, chúng tôi khuyên bạn nên điều trị theo sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra bạn cần lưu ý là sau mỗi đợt điều trị bạn cần đi tái khám, các bác sĩ sẽ so sánh kết quả trước và sau khi điều trị sẽ tư vấn tiếp cho bạn hướng điều trị tiếp theo, bạn không nên tự điều trị theo lời khuyên không phải của bác sĩ.\nBạn nên đến các phòng khám sản phụ khoa của các bệnh viện đa khoa để được bác sĩ thăm khám và có hướng chữa trị kịp thời.
Thông thường, điều kiện đốt cổ tử cung khi điều trị lộ tuyến là khi
- Sau kinh 3 ngày, không quan hệ tình dục
- Kết quả thử tế bào âm đạo nhóm 1 và nhóm 2
- Kết quả soi cổ tử cung bình thường
- Không đang viêm cấp âm đạo, cổ tử cung
Sau khi đốt:
- Tuần lễ đầu ra nước vàng nhiều
- Tuần lễ thứ hai có thể tróc mày và ra ít máu
- Rửa vệ sinh bên ngoài, không ngâm, không thụt rửa bên trong âm đạo
- Đặc biệt, khi ra huyết nhiều cần phải đến khám ngay
Cần thực hiện tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị. Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, cho đến khi lành hẳn. Hạn chế đi xe đạp trong 2 tuần lễ đầu. Thực hiện chế độ ăn uống bình thường.
Để tránh tái phát, cần vệ sinh phụ khoa đúng cách, chú ý giữ vệ sinh vùng kín vào những ngày có kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục.
Chúc bạn sức khỏe

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan