Sản Phụ Khoa

Chào bác sĩ ! Tôi có thai và bị u nang buồng trứng, hiện nay thai đã được 22 tuần đi siêu âm bác sĩ nói vị trí rau bám đáy mặt trước mép rau bám qua lỗ trong cổ tử cung, vậy có nguy hiểm như thế nào đối với người mẹ và thai nhi? Khối u thì KT 105x74mm có ảnh hưởng gì trong những tuần thai thai tiếp không ạ?

Nông KIm Dung

(2014/09/16 00:11)

Chào em! \nHiện tại thai của em đã được 22 tuần. Siêu âm thấy rau bám mặt sau. Mép dưới bánh rau bám qua lỗ trong cổ tử cung như vậy có thể là hiện tượng rau tiền đạo hoặc rau bám thấp. Điều này là không bình thường vì nó sẽ dễ gây hiện tượng chảy máu trong quá trình mang thai. Tuy nhiên ở tuổi thai này thì bánh rau vẫn còn có thể co lên được và vị trí rau bám sẽ thay đổi đáng kể để không gây nguy hiểm cho mẹ và bé trong quá trình chuyển dạ. Bởi vậy trong quá trình có thai em nên đi lại và làm việc nhẹ nhàng để tránh bị ra máu và hạn chế các loại thức ăn và đồ uống có chất kích thích như rượu, cafe, các loại gia vị cay nóng. Đặc biệt là tránh quan hệ tình dục bao gồm cả việc sờ nắn, kích thích vào các khu vực nhạy cảm như tuyến vú có thể làm tăng có bóp cơ tử cung gây chảy máu. \nTheo dõi thai định kỳ để kiểm tra vị trí bánh rau, nếu vào những tuần cuối (từ tuần thứ 35 trở đi mà vị trí mép bánh rau vẫn bám qua lỗ trong cổ tử cung thì đó là rau tiền đạo thực sự và em nên chọn một cơ sở y tế có đầy đủ dụng cụ cấp cứu và phẫu thuật trong quá trình chuyển dạ.
Vấn đề u nang buồng trứng: Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi mời bạn tham khảo bài viết sau trên báo “Sức khoẻ và đời sống”.
LTS: Nhiều phụ nữ đang trong quá trình mang thai bị u nang buồng trứng. Họ rất hoang mang vì nếu để u nang trong suốt thai kỳ sẽ có ảnh hưởng đến con, nhưng phẫu thuật cũng lo lắng vì sự an toàn cho cả mẹ và em bé. Vậy phẫu thuật nội soi có ưu điểm gì? Những trường hợp nào được chỉ định? Các bác sĩ sẽ gặp khó khăn gì khi phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng cho phụ nữ mang thai? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương về vấn đề này.
Khối u buồng trứng trong thai kỳ là những khối u thực thể của buồng trứng được phát hiện trước khi có thai nhưng tiếp tục tồn tại trong khi có thai hoặc phát hiện trong thời gian mang thai, trong chuyển dạ hoặc ngay sau đẻ (trong vòng 24 giờ). Từ trước đến nay, ở Việt Nam khi thai phụ bị nang buồng trứng đều được tiến hành phẫu thuật mở bụng để cắt nang buồng trứng trong quý II của thai kỳ. Hiện nay, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương còn sử dụng thêm phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ nang buồng trứng.
Chẩn đoán nang buồng trứng bằng cách nào?
Siêu âm có vai trò rất quan trọng để chẩn đoán nang buồng trứng trong thai kỳ. Nó cho phép đánh giá một số tính chất của u như: số lượng, kích thước, cấu trúc âm vang và theo dõi tiến triển của u. Chẩn đoán u nang sẽ càng khó khăn hơn trong giai đoạn sau vì tử cung to. Các loại u nang buồng trứng thường gặp là nang bì, nang nước, nang nhầy, nang lạc nội mạc tử cung, nang hoàng thể, nang đơn giản, nang hỗn hợp, nang giáp biên, các loại nang khác. Vị trí của nang buồng trứng có thể ở bên trái, bên phải hoặc ở cả hai bên.
Những ai được chỉ định phẫu thuật này?
Đó là các trường hợp có thai bình thường, thai sống, không có dấu hiệu dọa sảy thai. Có nang buồng trứng thực thể, không có dấu hiệu nghi ngờ ác tính cả về lâm sàng và siêu âm. Có đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật cắt nang buồng trứng qua nội soi như tử cung, khối u không quá to, ổ bụng không có sẹo mổ cũ. Độ tuổi trung bình của thai phụ thực hiện phẫu thuật nội soi trong thai kỳ là từ 19-40 tuổi. Phẫu thuật cho các trường hợp bị nang buồng trứng khi thai được từ 13-14 tuần tuổi, với kích thước trung bình của nang buồng trứng từ 5-15cm. Không nên phẫu thuật cho những trường hợp tuổi thai dưới 13 tuần để tránh gây sảy thai do làm tổn thương hoàng thể thai nghén và tránh can thiệp không cần thiết vào khối u cơ năng của buồng trứng.
Kỹ thuật xử trí nang buồng trứng trong thai kỳ
Có hai kỹ thuật xử nang buồng trứng được áp dụng trong khi phẫu thuật nội soi: cắt nang buồng trứng hay còn gọi là bóc tách nang buồng trứng và cắt buồng trứng cùng với nang (đôi khi là cắt phần phụ nếu có cắt cả vòi tử cung). Đối với nang buồng trứng không xoắn, phẫu thuật bóc tách nang bảo tồn buồng trứng được thực hiện trong hầu hết các trường hợp. Đối với nang buồng trứng xoắn, tỷ lệ phải cắt buồng trứng là trên 70%.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật cũng gặp một số khó khăn như: thao tác cắt u buồng trứng thường khó hơn các trường hợp không có thai vì không gian nhỏ hẹp lại do thể tích tử cung choán hết tiểu khung. Hơn nữa tình trạng sung huyết trong thai kỳ cũng là yếu tố làm cho phẫu thuật khó khăn hơn, dễ bị chảy máu, cầm máu khó hơn. Một số trường hợp, khối u nằm trong túi cùng Douglas. Việc lấy khối u ra khỏi túi cùng Douglas đôi khi gặp nhiều khó khăn do tử cung to. Đặc biệt khó nếu đó là một khối u bị dính vào cùng đồ sau (hay gặp trong u lạc nội mạc tử cung của buồng trứng).
Sau mổ có thể dùng progesteron để ức chế cơn co tử cung và thuốc giảm cơn co tử cung (Spasfon) với mục đích dự phòng sảy thai.
Như vậy, để giảm phiền phức và tránh gặp nguy hiểm do u nang buồng trứng bị xoắn, vỡ gây ảnh hưởng đến thai nghén và khó khăn cho cấp cứu, phụ nữ trước khi mang thai nên siêu âm ổ bụng để phát hiện xem mình có bị u nang buồng trứng không để bác sĩ có chỉ định hợp lý. Với những trường hợp khi có thai rồi mới phát hiện u nang buồng trứng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ nên để u nang tới hết thai kỳ hay nên xử trí. Nhìn chung, việc xử trí u nang buồng trứng bằng phương pháp nội soi an toàn cho cả mẹ và em bé.
Qua bài viết này, chắc bạn đã tìm ra câu trả lời cho trường hợp của mình và có thể yên tâm thực hiện phẫu thuật xử trí u nang buồng trứng. Theo chúng tôi, bạn nên đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phụ sản trung ương để bảo đảm cho việc phẫu thuật thành công tốt đẹp!
Chúc bạn có thai kỳ khỏe mạnh

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan