Tại sao lại có hiện tượng nghiến răng ban ngày?
Nghiến răng là tình trạng khi các răng ở hai hàm nghiến siết với nhau. Thực tế, nó có thể xảy ra không chỉ khi ngủ mà còn xuất hiện khi thức, trong trạng thái tập trung quá mức, giận dữ hay quá căng thẳng... là những thời điểm chúng ta không nhận thức được.
Nguyên nhân của nghiến răng ban ngày hay kể cả ban đêm vẫn chưa thực sự rõ ràng, thường được cho là liên quan tới các yếu tố sau:
- Yếu tố thần kinh: Nghiến răng có thể liên quan đến các yếu tố tâm lý và thần kinh như căng thẳng, lo lắng hoặc ở những người có tính cách hiếu thắng, hoạt động quá mức.
- Rối loạn giấc ngủ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, ngủ chập chờn, mê sảng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bóng đè hoặc ảo giác khi ngủ có liên quan mật thiết đối với tật nghiến răng.
Hiện tượng nghiến răng ban ngày hay gặp ở những người thường xuyên bị stress.
- Thuốc: Nghiến răng cũng có thể là tác dụng phụ của việc dùng một số thuốc an thần như phenothiazin, thuốc chống trầm cảm...
- Bệnh lý: Có thể là hậu quả của các bệnh lý như trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh Parkinson... Thậm chí hàm răng lệch lạc, khớp cắn không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân gây ra nghiến răng.
Đối tượng hay mắc bệnh nghiến răng ban ngày
Nghiến răng ban ngày thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Tần suất của việc nghiến răng có xu hướng giảm dần theo tuổi, trẻ em nghiến răng nhiều hơn người lớn và thấp nhất sau độ tuổi 65, có thể liên quan tới sự chưa hoàn thiện của hệ thống thần kinh cơ và các rối loạn về giấc ngủ cũng như tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh ở trẻ em.
Nghiến răng ở trẻ thường xuất hiện sau khi mọc những răng phía trước vào khoảng 1 tuổi, trẻ có tật thở miệng hoặc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, amidan lớn, hen suyễn; đặc biệt trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, những trẻ trong độ tuổi tới trường với áp lực học tập cao có tỷ lệ nghiến răng cao hơn.
Tình trạng nghiến răng ban ngày có nguy hiểm không?
Tật nghiến răng ban ngày không chỉ tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh mà còn gây mòn răng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm răng bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng, sứt miếng hàn, gãy các hàm giả tháo lắp hoặc cố định. Việc răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt, làm người bệnh trông già hơn.
Nếu nghiến răng gặp ở những người bị sâu răng hoặc răng đã hàn thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tuổi thọ răng. Trong một số trường hợp bệnh nghiến răng mãn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hàm dưới và khuôn mặt, làm cho mất cân xứng hoặc có hình dạng vuông, cằm bạnh ra (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên). Khi hàm dưới bị bạnh ra sẽ làm cho bộ mặt có thể không được bình thường.
Nghiến răng ban ngày để lại hậu quả làm bạn nị mỏi, đau các cơ hàm và thậm chí bị mòn răng, do đó bạn nên chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt.
Nghiến răng nhiều có thể làm các cơ hàm bị co thắt, người bệnh bị mỏi, đau các cơ hàm. Do các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại cơ cắn ở cả hai bên, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông, đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp như rối loạn khớp thái dương - hàm. Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau: đau khớp hàm, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai, rối loạn vận động há miệng lệch, há miệng khó..
Đối với trẻ em, nếu khoảng thời gian nghiến răng ở trẻ không kéo dài nhưng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của răng. Răng sẽ bị mòn làm cho những thức ăn có axit và đường bám vào răng nhiều hơn và dễ gây sâu răng.