Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71). Đây là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước.
1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 1
Chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da.
2. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 2
Tay chân miệng độ 2a: có một trong các dấu hiệu sau:
+ Trẻ có giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám
+ Sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 390C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Tay chân miệng độ 2b: có dấu hiệu thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 :
Nhóm 1: Có một trong các biểu hiện sau:
+ Giật mình ghi nhận lúc khám.
+ Bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần / 30 phút.
Bệnh kèm theo một dấu hiệu sau:
+ Ngủ gà
+ Mạch nhanh > 150 lần /phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)
+ Sốt cao ≥ 39oC không đáp ứng với thuốc hạ sốt
Nhóm 2: Có một trong các biểu hiện sau:
+ Thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
+ Rung giật nhãn cầu, lác mắt.
+ Yếu chi hoặc liệt chi.
+ Liệt thần kinh sọ: nuốt sặc, thay đổi giọng nói,..
3. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 3
Trẻ có các dấu hiệu sau:
+ Mạch nhanh > 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt).
+ Một số trường hợp có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng).
+ Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
+ Thở nhanh, thở bất thường: Cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da,…
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.
Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục. Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
- Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Trong đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do Enterovirus 71 thì có thể có biến chứng nặng và thậm chí dẫn đến tử vong (do viêm não, màng não,viêm cơ tim, phù phổi...). Điều nguy hiểm là nếu các biến chứng không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong có thể chỉ trong vòng 24 giờ.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể gây ra các biến chứng về thần kinh, hô hấp và tim mạch. Về thần kinh trẻ có những biểu hiện sau:
- Thay đổi tri giác: vật vã, bứt rứt, chới với, hốt hoảng, li bì, ngủ gà, co giật, hôn mê.
- Run chi, giật mình, rung giật khi ngủ, loạng choạng, rung giật nhãn cầu.
- Yếu chi, liệt mặt,...
Về hô hấp, trẻ sẽ thở khó, thở mệt, thở nhanh, còn về tim mạch trẻ sẽ có: mạch nhanh hoặc chậm, huyết áp tăng sau đó tụt. Vì mức độ nặng khác nhau nên bệnh được phân thành 4 độ:
- Độ 1: Loét miệng và hoặc sang thương da.
- Độ 2: Bắt đầu có biến chứng thần kinh.
- Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch.
- Độ 4: Biến chứng rất nặng khó hồi phục.
Mức độ 1, bệnh nhi có thể được điều trị tại nhà, và từ độ 2 trở đi bệnh nhi cần phải được nhập viện điều trị. Việc quan trọng là chúng ta cần phát hiện sớm các dấu hiện của biến chứng nhằm kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị.
Bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Các mẹ cần biết rằng, bệnh tay chân miệng hiện hay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa, các thuốc điều trị hiện nay chủ yếu là để hỗ trợ triệu chứng. Ví dụ như bị tay chân miệng sẽ đi kèm với sốt, lúc này mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt sớm để ngăn ngừa tiến triển của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Nếu bé đau, khó chịu do các vết loét ở miệng thì dùng các thuốc bôi, vừa để sát khuẩn vừa để giảm đau. Thể nặng thì sẽ dùng các phương pháp điều trị đặc biệt như dùng Globulin miễn dịch. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sĩ.
Đối với những bé bị tay chân miệng thông thường, bố mẹ kịp thời phát hiện và chăm sóc tốt thì trẻ sẽ khỏi trong vòng 5 – 10 ngày. Bé có thể sẽ được chỉ định điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em và hỗ trợ bằng ăn uống, bổ sung vitamin.
Bệnh tay chân miệng có lây không?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus (người bệnh và người lành mang trùng và người bệnh).
Bệnh tay chân miệng và cách điều trị
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống EV71, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có suy tuần hoàn, hô hấp.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống virut EV71. Một số nghiên cứu dùng acyclovir là thuốc kháng virut hoặc dùng interferon là một nhóm protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch của hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Hiện nay, các chế phẩm interferon gamma chủ yếu được dùng trong các bệnh viêm gan do virut B, C hoặc HIV/AIDS. Còn các loại interferon có khả năng ức chế EV71 vẫn đang được thử nghiệm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương có đưa ra hướng dẫn xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em từ năm 2011 như sau:
- Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian... và niêm mạc như zytee, kamistad... cho các vết loét. Và hướng dẫn cha mẹ nhận biết các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, li bì, nôn... để đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 - 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng nên cần đưa trẻ tới viện ngay.
Lưu ý: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn do virut đường ruột, nên kháng sinh thông thường không có tác dụng. Các bà mẹ thấy con bị bệnh tay chân miệng là dùng ngay kháng sinh mà không biết rằng bệnh tay chân miệng ở trẻ em do virut nên việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng gì đối với bệnh mà chỉ gây hại sức khỏe, làm bệnh nặng lên và tạo nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng rất khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng.
Phòng bệnh tay chân miệng
Thực hiện 3 sạch: ăn sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống:
+ Ăn chín, uống chín
+ Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng
+ Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày
+ Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi
+ Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay,vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi thấy trẻ sốt và có nốt phỏng nước ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng cần cho trẻ nghỉ học và đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Khi chăm sóc trẻ bệnh tại gia đình nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như sốt cao kéo dài, li bì, bỏ ăn, uống hoặc tình trạng của trẻ xấu đi cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.