Mẹ nhiễm khuẩn khi mang thai có thể khiến bé bị bệnh bại não

Tác giả: Mỹ Hanh. Ngày đăng: 25-04-2017

Bệnh bại não là một rối loạn về vận động, trương lực cơ hoặc tư thế xảy ra do tổn thương bộ não đang phát triển chưa trưởng thành. Người mắc bệnh bại não có thể gặp khó khăn khi nuốt và thường kèm mất phối hợp các cơ di chuyển mắt (cơ vận nhãn), cũng như có thể bị hạn chế cử động ở các khớp do cứng cơ.

Bệnh bại não là gì?

Bệnh bại não ở trẻ em là một rối loạn về vận động, trương lực cơ hoặc tư thế, nguyên nhân do tổn thương bộ não đang phát triển chưa trưởng thành. 
Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện sớm trong giai đoạn sơ sinh hoặc trẻ nhỏ chưa đến tuổi đến trường. Nhìn chung, bệnh bại não gây tổn thương vận động đi kèm với phản xạ quá mức, mềm rũ hoặc co cứng chi và thân, tư thế bất thường, vận động không tự chủ, đi loạng choạng, hoặc kết hợp những triệu chứng này. Người mắc bệnh bại não có thể gặp khó khăn khi nuốt và thường kèm mất phối hợp các cơ di chuyển mắt (cơ vận nhãn), cũng như có thể bị hạn chế cử động ở các khớp do cứng cơ.

Bại não có thể có nhiều mức ảnh hưởng lên hoạt động chức năng của người bệnh. Một số bệnh nhân bị bệnh bại não có thể đi bộ trong khi hầu hết những người khác thì không. Một số người có trí tuệ bình thường hoặc gần như bình thường, nhưng những người khác có thể có chậm phát triển trí tuệ. Người bị bệnh bại não cũng có thể bị động kinh, mù hoặc điếc. Người bị bại não thường có những bất thường về phát triển của não bộ.

Triệu chứng của bệnh bại não

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bại não thay đổi tùy vào vùng não bị ảnh hưởng. Những bất thường về vận động và phối hợp động tác liên quan đến bại não có thể bao gồm:

  • Thay đổi trương lực cơ: hoặc quá cứng hoặc quá mềm
  • Co cứng cơ với phản xạ quá mức
  • Co cứng cơ với phản xạ bình thường
  • Thiếu sự phối hợp giữa các cơ (mất điều hòa)
  • Run hoặc cử động không tự chủ
  • Múa vờn
  • Chậm trễ trong việc đạt được những cột mốc quan trọng về kỹ năng vận động như chậm biết lật, chậm biết bò, hoặc ngồi
  • Có xu hướng nghiêng về một bên của cơ thể, như chỉ sử dụng một tay hoặc kéo lê một chân trong khi bò
  • Đi lại khó khăn như đi trên đầu ngón chân, dáng đi gập người, hoặc dáng đi hình cái kéo với 2 đầu gối chụm vào nhau hoặc dáng đi rộng hình chữ bát
  • Chảy nước dãi quá mức hoặc gặp các vấn đề nuốt
  • Khó khăn khi bú hoặc ăn
  • Chậm biết nói hoặc nói một cách khó khăn
  • Khó khăn với chuyển động chính xác, như khó khăn khi lấy một cây bút chì hoặc cái muỗng

Những khuyết tật liên quan đến bệnh bại não có thể giới hạn chủ yếu ở một chi, một bên của cơ thể, hoặc nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Các tổn thương não bộ gây bại não không mất đi nhưng cũng không tiến triển thêm, do đó, các triệu chứng thường không diễn tiến nặng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, tình trạng co rút và cứng cơ có thể xấu đi nếu không điều trị tích cực.

Những vấn đề về thần kinh khác

Bất thường của não liên quan đến bệnh bại não cũng có thể góp phần vào các bất thường thần kinh khác. Người bị bệnh bại não cũng có thể có:

  • Khó khăn về khả năng nghe, nhìn
  • Thiểu năng trí tuệ
  • Co giật
  • Bất thường trong khả năng nhận thức cảm giác đau hoặc sờ
  • Bệnh về miệng
  • Bất thường về sức khỏe tâm thần
  • Tiểu không tự chủ

Nguyên nhân gây bệnh  bại não?

Mẹ nhiễm khuẩn khi mang thai có thể khiến bé bị bệnh bại não

Bệnh bại não xảy ra do bất thường hoặc có sự gián đoạn trong quá trình phát triển của não bộ (thường xảy ra khi bé còn nằm trong bụng mẹ). Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác dẫn đến bất thường này vẫn chưa biết rõ. Những yếu tố có thể dẫn đến các bất thường phát triển não bộ gồm có:

  • Đột biến ngẫu nhiên ở những gen kiểm soát sự phát triển của não bộ
  • Nhiễm khuẩn ở mẹ. Người mẹ bị nhiễm khuẩn khi đang mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi
  • Tai biến mạch máu bào thai (fetal stroke – là tình trạng thiếu máu cục bộ, huyết khối, hoặc xuất huyết xảy ra trong khoảng 14 tuần tuổi thai đến lúc sinh) dẫn đến nguồn máu cung cấp cho bộ não đang phát triển của thai nhi bị gián đoạn
  • Thiếu oxy tới não (ngạt) xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh khó. Điều này hiếm khi là nguyên nhân
  • Nhiễm trùng sơ sinh gây viêm não hoặc cấu trúc quanh não
  • Chấn thương đầu xảy ra ở giai đoạn sơ sinh do tai nạn xe cộ hoặc trẻ bị rơi, ngã.

Ai có nguy cơ mắc bệnh bại não?

Một số yếu tố có liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh bại não gồm:

Sức khỏe  mẹ

Mẹ bị nhiễm trùng hoặc mắc một số bệnh trong thời gian mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ sinh con mắc bệnh bại não. Những bệnh được đặc biệt quan tâm bao gồm:

  • Sởi Đức (bệnh Rubella). Rubella là bệnh xảy ra do nhiễm virus, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin.
  • Bệnh thủy đậu (varicella). Thủy đậu xảy ra do nhiễm virus, dễ lây, gây ngứa và phát ban, và có thể gây biến chứng thai kỳ. Bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin.
  • Cytomegalovirus (virus cự bào) Là một virus thường gây  các triệu chứng tương tự cúm và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu đây là lần nhiễm đầu tiên của sản phụ. Toxoplasmosis. Đây là một bệnh nhiễm ký sinh trùng, mắc phải do ăn thực phẩm hoặc tiếp xúc với đất có chứa ký sinh trùng gây bệnh, hoặc do tiếp xúc phân mèo bị nhiễm bệnh.
  • Bệnh giang mai. Là bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Tiếp xúc với các chất độc như methyl thủy ngân…có thể làm tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.
  • Một số tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bại não như mắc bệnh về tuyến giáp, thiểu năng trí tuệ hoặc co giật.

Trẻ mắc bệnh trong thời kỳ sơ sinh

Trẻ mắc phải một số bệnh trong giai đoạn sơ sinh có thể làm tăng rất cao nguy cơ bị bệnh bại não. Những bệnh này gồm:

  • Viêm màng não do vi khuẩn. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dẫn đến viêm màng bao quanh não. Viêm não do virus. Bệnh do nhiễm virus, gây ra tình trạng viêm ở nhu mô não.
  • Vàng da nặng hoặc vàng da không được điều trị. Vàng da là một tình trạng dễ nhận biết nếu chú ý. Vàng da xảy ra do các sản phẩm chuyển hóa của hồng cầu không được lọc ra khỏi máu.

Các yếu tố khác trong thời kỳ mang thai và sinh nở.

Các yếu tố khác trong thời kỳ mang thai hoặc quá trình sinh nở làm tăng nguy cơ bị bệnh bại não bao gồm:

  • Sinh non. Một thai kỳ bình thường kéo dài 40 tuần. Những trẻ non tháng (<37 tuần tuổi thai) có nguy cơ cao bị bại não. Trẻ non tháng có tuổi thai càng nhỏ  thì nguy cơ mắc bệnh bại não càng cao.
  • Cân nặng khi sinh thấp. Trẻ có cân nặng dưới 2,5 kg có nguy cơ cao bị bại não. Cân nặng khi sinh càng thấp nguy cơ càng cao.
  • Đa thai. Nguy cơ bại não tăng lên cùng với số lượng thai nhi trong tử cung. Nếu có một hoặc hơn một thai nhi bị chết trong tử cung thì thai sống sẽ tăng nguy cơ bị bại não.

Biến chứng của bệnh bại não

Tình trạng yếu cơ, co cứng cơ và rối loạn phối hợp vận động có thể dẫn đến các biến chứng ở trẻ nhỏ hoặc muộn hơn khi trẻ trưởng thành, bao gồm:

  • Co rút cơ . Sự rút ngắn của mô cơ do tình trạng cứng cơ nặng. Co rút cơ kìm hãm sự phát triển của xương, làm xương bị cong, dẫn đến biến dạng khớp, trật khớp bán phần hoặc trật khớp toàn phần.
  • Suy dinh dưỡng. Trẻ mắc bệnh bại não thường gặp khó khăn khi ăn, nuốt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, dẫn đến trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng. Hậu quả là trẻ chậm phát triển, xương yếu. Nếu cần, có thể cho trẻ ăn qua sonde để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người bị bệnh bại não có thể có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Sự cô lập của xã hội và những thách thức đối phó với khuyết tật có thể dẫn đến trầm cảm.
  • Bệnh đường hô hấp. Người bị bại não có thể mắc bệnh về phổi và các rối loạn về hô hấp.
  • Các rối loạn liên quan thần kinh. Mặc dù các tổn thương não bộ gây bại não không tăng thêm theo thời gian, rối loạn vận động và các triệu chứng về thần kinh ở trẻ bại não vẫn có thể nặng dần thêm.
  • Viêm xương khớp. Tình trạng chèn ép lên khớp hoặc bất thường mô liên kết của khớp do co cứng cơ có thể dẫn đến sự phát triển sớm của bệnh thoái hóa xương khớp (viêm xương khớp).

Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bại não

Nếu nghi ngờ con bạn có thể mắc bệnh bại não, bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng bệnh, xem xét tiền sử bệnh của con bạn, và tiến hành đánh giá thể chất cho trẻ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ nhi chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị một loạt các xét nghiệm để chẩn đoán và giúp loại trừ những nguyên nhân khác.

Chẩn đoán hình ảnh não bộ. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kiểm tra não bộ có thể cho thấy vị trí não bộ bị tổn thương hoặc phát triển không bình thường. Các chẩn đoán này bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI. MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh 3-D hoặc hình ảnh cắt lớp chi tiết của bộ não, nhờ đó có thể xác định những tổn thương hoặc bất thường nếu có trong não bộ. Phương pháp này không gây đau, nhưng có thể gây ồn và có thể mất đến một giờ để hoàn thành. Con của bạn có thể sẽ được cho một liều thuốc an thần nhẹ trước khi chụp ảnh. MRI thường là chẩn đoán hình ảnh được đề nghị.
  • Siêu âm não. Thăm dò siêu âm có thể thực hiện trong giai đoạn sơ sinh. Siêu âm não sử dụng sóng âm thanh tần số cao để ghi nhận hình ảnh não bộ. Kỹ thuật này không cho kết quả hình ảnh chi tiết về não bộ, nhưng thường được sử dụng vì cho kết quả nhanh chóng, rẻ, và giúp đánh giá sơ bộ bộ não ban đầu.
  • Chụp CT.  Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sử dụng tia X để thu nhận hình ảnh cắt ngang các lớp của não bộ. Do đó kỹ thuật này có thể được sử dụng để xác định những bất thường trong não bộ. Kỹ thuật này không gây đau và mất khoảng 20 phút. Trong quá trình xét nghiệm, trẻ cần phải nằm yên, nên trẻ có thể sẽ được cho một liều thuốc an thần nhẹ.
  • Điện não đồ (EEG). Nếu con của bạn có bị co giật, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra điện não đồ  để xác định con bạn có bị động kinh hay không, vì động kinh thường xảy ra ở những người bị bại não. Trong xét nghiệm điện não đồ, một loạt các điện cực được gắn ở da đầu của trẻ. Các bản ghi điện não đồ ghi lại hoạt động điện của não bộ. Nếu con bạn có bệnh động kinh, sẽ thấy những hình ảnh sóng điện não thay đổi bất thường trên bản ghi.
  • Xét nghiệm máu. Con bạn có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh khác, như rối loạn đông máu có thể gây ra tai biến mạch máu, là tình trạng có thể có các biểu hiện và triệu chứng giống trong bệnh bại não. Những xét nghiệm này cũng có thể giúp sàng lọc các bệnh di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa.

Những xét nghiệm khác

Nếu con của bạn được chẩn đoán mắc bệnh bại não, bạn có thể sẽ được giới thiệu đưa trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa khác để đánh giá các tình trạng khác thường kết hợp trong bệnh bại não. Các xét nghiệm này có thể xác định:

  • Suy giảm thị lực
  • Khiếm thính
  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Rối loạn vận động
  • Những rối loạn chậm phát triển khác

Điều trị bại não thế nào?

Trẻ em và người lớn mắc bệnh bại não cần được chăm sóc lâu dài với một đội ngũ chăm sóc y tế bao gồm:

  • Bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ lý liệu pháp. Bác sĩ nhi khoa giám sát các kế hoạch điều trị và chăm sóc y tế.
  • Bác sĩ chuyên khoa thần kinh trẻ em. Một bác sĩ được đào tạo chuyên khoa về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về hệ thống thần kinh và não bộ ở trẻ em có thể tham gia vào việc chăm sóc y tế cho con của bạn.
  • Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Con bạn có thể cần đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để giúp chẩn đoán và điều trị những rối loạn về cơ, xương.
  • Chuyên viên vật lý trị liệu. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp con bạn tập luyện để cải thiện sức mạnh và kỹ năng đi bộ, và giúp giãn cơ.
  • Chuyên viên hoạt động trị liệu. Chuyên viên hoạt động (hay thao tác) trị liệu sẽ hướng dẫn những phương pháp, bài tập giúp con bạn phát triển những kỹ năng cần thiết hàng ngày và học cách sử dụng các sản phẩm hỗ trợ phù hợp để trợ giúp con bạn làm được những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Con bạn có thể sẽ cần đến bác sĩ chuyên về chẩn đoán và điều trị các rối loạn về phát âm và ngôn ngữ nếu con bạn có vấn đề về nuốt, phát âm, hoặc ngôn ngữ.
  • Chuyên viên xúc tiến phát triển (Developmental therapist) . Chuyên viên này sẽ giúp con bạn phát triển những hành vi phù hợp với lứa tuổi, các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp.
  • Chuyên viên về sức khỏe tâm thần. Chuyên viên về sức khỏe tâm thần, như nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần, có thể tham gia vào việc chăm sóc cho con bạn. Họ có thể giúp bạn và con bạn học cách đối mặt với tình trạng khuyết tật.
  • Điều phối viên phúc lợi xã hội. Những nhân viên này có thể tham gia trong việc giúp gia đình bạn tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe hoặc di chuyển cho con bạn.
  • Giáo viên giảng dạy đặc biệt. Giáo viên giảng dạy đặc biệt sẽ tập trung vào những ảnh hưởng của khuyết tật lên việc học tập của con bạn, từ đó xác định nhu cầu giáo dục và các phương thức giáo dục phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Những thuốc có thể làm giảm độ cứng của cơ có thể được sử dụng để cải thiện khả năng hoạt động chức năng, giảm đau và kiểm soát các biến chứng liên quan đến tình trạng co cứng cơ hoặc các triệu chứng bại não khác.

Việc thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ có thể gặp phải khi điều trị thuốc và liệu điều trị y tế đó có thích hợp với nhu cầu của con bạn hay không là rất quan trọng. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào việc con bạn chỉ bị ảnh hưởng đến một nhóm cơ nhất định (khu trú) hay ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể. Thuốc điều trị bao gồm những loại sau:

  • Co cứng khu trú. Khi co cứng cơ xảy ra khu trú ở một nhóm cơ, bác sĩ có thể kê đơn tiêm thuốc onabotulinumtoxin A (Botox) trực tiếp vào cơ, thần kinh hoặc cả hai. Tiêm Botox có thể giúp cải thiện tình trạng chảy nước dãi. Con bạn sẽ cần tiêm mỗi ba tháng. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau, bầm tím hoặc mệt mỏi nghiêm trọng. Những tác dụng phụ khác nghiêm trọng hơn gồm khó thở và khó nuốt.
  • Co cứng toàn thân. Nếu toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng, thuốc giãn cơ dạng uống có thể giúp giảm tình trạng co cứng cơ. Những loại thuốc này bao gồm diazepam (Valium), Dantrolene (Dantrium) và baclofen (Gablofen). Dùng diazepam sẽ có nguy cơ bị lệ thuộc thuốc, vì vậy thuốc này không được khuyến cáo sử dụng kéo dài. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm buồn ngủ, suy nhược và chảy nước dãi. Tác dụng phụ của Dantrolene bao gồm buồn ngủ, buồn nôn và tiêu chảy. Tác dụng phụ của baclofen bao gồm buồn ngủ, lú lẫn và buồn nôn. Baclofen cũng có thể được bơm trực tiếp vào tủy sống qua một ống nhỏ. Máy bơm được phẫu thuật cấy dưới da ở bụng.

Con bạn cũng có thể được kê đơn 1 số loại thuốc  nhằm làm giảm tình trạng chảy nước dãi như: trihexyphenidyl, scopolamine (Scopace) hoặc glycopyrrolate (Robinul, Robinul Forte).

Phục hồi chức năng

Có nhiều phương pháp phục hồi chức năng khác nhau có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị bệnh  bại não mà không cần dùng thuốc, bao gồm:

  • Vật lý trị liệu. Những bài tập luyện cơ bắp sẽ giúp con bạn tăng sức co cơ, độ linh hoạt, sự cân bằng cũng như vận động và di chuyển tốt hơn. Bạn cũng sẽ học cách chăm sóc trẻ ở nhà hằng ngày, như tắm rửa và cho ăn, một cách an toàn. Các dụng cụ hỗ trợ như máng, nẹp có thể được đề nghị dùng cho con bạn nhằm hỗ trợ các hoạt động chức năng của trẻ như cải thiện đi lại. Một số khác giúp kéo duỗi các cơ bị co cứng nhằm ngăn chặn tình trạng co rút cơ.
  • Hoạt động (thao tác) trị liệu. Chuyên viên trị liệu sẽ giúp trẻ mắc bệnh bại não cải thiện khả năng thao tác hay tiến hành những động tác để có thể tự lập hơn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và thường quy ở nhà, ở trường và ngoài xã hội. Thiết bị thích ứng có thể bao gồm khung tập đi, gậy chống bốn chân, hệ thống ghế ngồi hoặc xe lăn điện.
  • Ngôn ngữ trị liệu. Chuyên viên về ngôn ngữ trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của con bạn, giúp bé nói rõ ràng hơn hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Họ cũng có thể dạy trẻ sử dụng các thiết bị giao tiếp như máy tính và máy tổng hợp giọng nói khi con bạn giao tiếp khó khăn. Một loại thiết bị giao tiếp khác có thể là một bảng gồm những hình ảnh về những đồ dùng và hoạt động mà con bạn có thể nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó có thể đặt câu bằng cách chỉ vào hình ảnh. Những chuyên gia vật lý trị liệu cũng sẽ nhắm đến những khó khăn tại những nhóm cơ có liên quan đến vấn đề  ăn uống và nuốt.
  • Giải trí trị liệu. Phương pháp giải trí trị liệu như chơi trò cưỡi ngựa có thể giúp ích cho một số trẻ. Đây là loại trị liệu có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động, ngôn ngữ và biểu cảm của con bạn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết để làm giảm sự căng cứng cơ hoặc điều chỉnh những bất thường ở xương do tình trạng liệt cứng. Những loại này bao gồm:

  • Phẫu thuật chỉnh hình. Trẻ em bị co cứng nặng hoặc biến dạng có thể cần phải phẫu thuật xương hoặc khớp nhằm đặt lại cánh tay, hông và chân về các vị trí đúng.
  • Phẫu thuật cũng có thể giúp kéo dài các cơ và phần dây chằng bị rút quá ngắn do tình trạng co rút nghiêm trọng gây ra. Những điều chỉnh này có thể làm giảm đau và cải thiện di chuyển, đồng thời cũng có thể giúp trẻ sử dụng dễ dàng hơn khung tập đi, giá đỡ hoặc nạng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh. Trong một số trường hợp nặng, khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ các dây thần kinh chi phối các cơ bị co cứng. Phương pháp này gọi là phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc dây thần kinh lưng. Điều này giúp thư giãn các cơ bắp và giảm đau, nhưng cũng có thể gây tê.

Phòng ngừa bệnh bại não như thế nào?

  • Hầu hết các trường hợp bại não là không thể phòng ngừa, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, bạn có thể thực hiện các bước sau để giữ sức khỏe và giảm thiểu tối đa các biến chứng khi mang thai:
  • Hãy chắc chắn rằng bạn đã được tiêm phòng đầy đủ. Tiêm chủng ngừa rubella trước khi dự định có thai giúp bạn giảm phần lớn nguy cơ mắc một bệnh vốn có thể gây bệnh bại não cho trẻ.
  • Giữ gìn sức khỏe bản thân. Khi bước vào thời kỳ mang thai, bạn càng khỏe mạnh thì càng có ít khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh bại não.
  • Đi khám thai sớm và đều đặn. Khám thai định kỳ đầy đủ trong suốt quá trình mang thai là cách tốt để giảm thiểu các nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Đi khám thai đều đặn có thể giúp ngăn ngừa sinh non, sinh thiếu cân và nhiễm trùng.
  • Thực hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ . Ngăn ngừa chấn thương đầu bằng cách đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ như cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, sử dụng giường trẻ có thanh chắn an toàn, và giám sát trẻ thích hợp.

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan