Viêm thanh quản cấp – Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi

Tác giả: Lê Nguyễn Ngọc. Ngày đăng: 07-05-2017

Viêm thanh quản cấp là bệnh lý khá phổ biến ở người lớn tuổi khi thời tiết thay đổi đột ngột. Dù không nguy hiểm nhưng viêm thanh quản cấp gây khó chịu, phiền toái trong cuộc sống cho người bệnh.

Thanh quản được cấu tạo bởi các sụn nối với nhau bằng các khớp, các màng, các dây chằng và các cơ. Trong đó có 2 dây thanh âm sẽ rung chuyển và phát ra âm thanh dưới tác động của luồng không khí đi qua. Về vị trí, thanh quản nằm ở trước thanh hầu, đối xứng với đốt sống thứ 3 tới thứ 6, nối hầu với khí quản. Bên trong, thanh quản được phủ bởi niêm mạc liên tục với niêm mạc hầu, niêm mạc khí quản và tạo nên các xoang cộng hưởng âm thanh. Thanh quản là một phần của hệ thống hô hấp, không chỉ giúp ích cho việc phát âm mà còn ngăn chặn thức ăn rơi vào phổi khi ăn uống.

Viêm thanh quản cấp là gì?

Viêm thanh quản cấp – Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi hình ảnh 1

Viêm thanh quản cấp là tình trạng dây thanh âm bị sưng nề dẫn đến khàn hoặc mất giọng. Dây thanh âm là những nếp gấp màng nhầy trong thanh quản, khi chúng bị viêm, sưng nề sẽ làm cho giọng người bệnh bị khàn. Viêm thanh quản cấp thường biến mất trong 2 - 3 tuần nhưng khi bệnh kéo dài lâu hơn nếu không được điều trị đúng sẽ trở thành viêm thanh quản mạn tính. Viêm thanh quản mạn tính tốn nhiều thời gian để bình phục, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và phụ thuộc vào điều trị, sức khỏe người bệnh, nhất là người tuổi đã cao.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên viêm thanh quản cấp như: nói to, nói nhiều (giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, quảng cáo, trật tự viên…), nhiễm khuẩn (từ viêm họng, viêm amiddan cấp do vi khuẩn đặc biệt là bệnh bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản), virút. Hoặc do làm việc trong môi tường ô nhiễm (hóa chất, bụi…), dị ứng hoặc do hút thuốc lá, uống rượu, bia (bia lạnh) quá nhiều. Viêm thanh quản do thời tiết thay đổi đột ngột hay gặp nhất, đặc biệt là nóng chuyển sang lạnh hoặc bị lạnh đột ngột (uống nước lạnh, nước đá, đang nóng vào phòng máy lạnh). Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ làm xuất hiện bệnh viêm thanh quản như: mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi…), bệnh viêm xoang, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, NCT bị lão hóa dây thanh âm hoặc do tê liệt dây thanh âm (có thể là kết quả của chấn thương, đột quỵ, khối u phổi…). 

Giọng nói thay đổi - Triệu chứng điển hình của viêm thanh quản cấp.

Triệu chứng chủ yếu của viêm thanh quản là thay đổi giọng nói (trầm, khàn hoặc mất giọng). Bị khàn tiếng hoặc mất giọng thường do vì viêm thanh quản cấp, thanh quản từ trạng thái bị kích thích, nhiễm trùng dẫn đến sưng nề ảnh hưởng đến độ rung của dây thanh âm nhiều hoặc ít (ít sẽ gây khàn tiếng, nhiều sẽ mất giọng). Đồng thời có sốt, sưng hạch cổ, đau họng, ngứa rát họng, nuốt vướng, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Nếu không có các biện pháp điều trị thích hợp bệnh sẽ chuyển sang dạng mạn tính. Viêm thanh quản kéo dài hơn ba tuần được gọi là viêm thanh quản mạn tính.

Viêm thanh quản cấp gây khó khăn khi giao tiếp

Viêm thanh quản mạn tính, ảnh hưởng lớn nhất là giọng nói gây khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là người cần phải nói nhiều. Viêm thanh quản mạn có thể xuất hiện các khối u thực thể ở thanh quản như: hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, polyp dây thanh sẽ gây ra căng dây thanh âm, thương tích hoặc tăng trưởng trên các dây thanh âm và nguy hiểm nhất là ung thư thanh quản...

Điều trị viêm thanh quản cấp nên dựa vào nguyên nhân

Để chẩn đoán viêm thanh quản cấp cần nội soi, xét nghiệm máu và xác định nguyên nhân. Tuy chẩn đoán viêm thanh quản không mấy khó khăn với chuyên khoa tai mũi họng nhưng xác định nguyên nhân không đơn giản. Trong trường hợp nghi ngờ dây thanh âm có vấn đề (u, hạt, sần sùi…) cần sinh thiết để xét nghiệm tế bào.

Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp tính do lạnh, dị ứng có thể  tự khỏi, nhưng cần hạn chế nói, nghỉ ngơi và uống đủ lượng nước cần thiết (ngày uống từ 1,5 - 2,0 lít), ăn hoặc uống thêm nước ép trái cây. Điều trị, lý tưởng nhất là dựa vào nguyên nhân để điều trị. Với người bệnh cần khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là NCT để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm ngày nào tốt ngày ấy, không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị sẽ rất nguy hiểm, nếu không có chuyên môn về y học.

Nguyên tắc phòng bệnh viêm thanh quản cấp

Để phòng viêm thanh quản cấp thông thường, cần lưu ý không để bị lạnh nhất cổ, họng và không để lạnh đột ngột. Cần mặc ấm khi trời lạnh, ra khỏi nhà, ngoài mặc ấm cho cơ thể cần quàng cổ bằng khăn ấm, đeo khẩu trang để giữ ấm cổ, họng, mũi và tránh bụi. Không uống nước lạnh, không uống bia lạnh. Với người thường hay bị viêm thanh quản, viêm thanh quản mạn tính không nên ở trong phòng máy lạnh.

Viêm thanh quản cấp – Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi hình ảnh 2

Người cao tuổi đã từng viêm thanh quản cấp hoặc đang bị viêm thanh quản mạn tính không nên hút thuốc lá, thuốc lào và trong gia đình không nên có khói thuốc để đề phòng khô họng. Bởi vì, ngoài chất độc nicotin, khói thuốc sẽ làm khô họng và gây kích ứng dây thanh âm gây viêm. NCT cần hạn chế rượu và cà phê nhất là những người trong mình còn mang các bệnh khác liên quan đến rượu, cà phê (tăng huyết áp, bệnh tim mạch, hen suyễn, đường ruột…). Ngoài ra, NCT, nếu không phải do nghề nghiệp, công việc cần thiết, nên hạn chế nói, hò, reo to, liên tục. Nên khám bệnh theo định kỳ, nếu khám về thanh quản, tốt nhất là khám chuyên khoa

Phân bổ thời gian nói hợp lý, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nói (micro, loa), uống nhiều nước, đặc biệt nước trà ấm; bổ sung thêm các vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi; thường xuyên vệ sinh mũi họng, xông các loại lá thơm có kháng sinh thực vật bay hơi như lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả; điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; đeo khẩu trang để tránh bụi, sử dụng công cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường độc hại…

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan