Chào bạn!\nTriệu chứng tê tay thường xuất hiện từ đầu ngón ở các chi với cảm giác tê rần như bị châm trích. Cảm giác tê tăng dần, lan dần bàn tay, cổ tay, cánh tay. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng tê chân, tê tay như: \n1. Tê chân tay sinh lý:\nDo một số các tư thế làm máu khó lưu thông, bị ứ đọng, sinh ra các chất a xít, cũng có thể làm chân tay chỗ đó bị tê buốt (chỉ cần tránh giữ lâu ở các tư thế đó là… khỏi bệnh). Hoặc xảy ra do ảnh hưởng của thời tiết. Những người có sức đề kháng suy giảm thì khi gặp trời lạnh, gió mạnh gây co mạch làm cho khí huyết ngưng trệ gây rối loạn cảm giác. \n2. Tê chân tay bệnh lý:\n- Do bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì. Khi mắc phải các chứng bệnh này thì một trong các triệu chứng xảy ra là mất dần cảm giác ở các chi, khi bệnh càng nặng tê càng nhiều và có thể dẫn tới teo cơ.\n- Tê chân tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu sinh tố B1, B12, acid folic, calci, kali…Trường hợp này thường gặp ở người gầy yếu, thể lực suy kém, người già,...\n- Thần kinh ở ống cổ tay bị chèn ép, đau cột sống, viêm khớp…dẫn đến rối loạn, tê liệt dây thần kinh cảm giác, hay gặp nhất là hội chứng ống cổ tay, co thắt mạch máu ngoại vi. Do ống cổ tay khá chật, khi nó chít hẹp lại thì dây thần kinh giữa bị chèn gây ra hội chứng ống cổ tay. Bệnh thường gặp ở những người lao động dùng nhiều động tác lắc cổ tay như băm chặt,….\nMột số bệnh như chấn thương vùng cổ tay, viêm đa dây thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cũng gây hội chứng ống cổ tay.\nDấu hiệu ban đầu là tê tay, tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa (vùng dây thần kinh giữa chi phối cảm giác). Hay gặp nhất là người bệnh chỉ thấy tê ngón trỏ và ngón giữa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp người bệnh cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay, và tê nhiều hơn ở hai ngón trỏ và giữa.
Mẹ của bạn chỉ tê ở tay thôi và không có dấu hiệu của các bệnh như tiểu đường hay béo phì …thì có thể nghĩ đến bệnh lý thần kinh ở ống cổ tay bị chèn ép. Mẹ bạn nên xoa bóp thư giãn các đầu ngón tay, vùng vẩy tay. Nếu triệu chứng tê bì này kéo dài, thường xuyên xảy ra và tiến triển nặng hơn thì nên được khám để điều trị sớm để tầm soát các bệnh liên quan đề cập ở trên. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần được bổ sung đầy đủ vi khoáng chất như: đậu tương, đậu xanh, lạc vừng, rau diếp, lòng đỏ trứng…\nChúc sức khỏe!