Sản Phụ Khoa

Em được 12.5 tuần, bệnh viện báo bị mép dưới bánh nhau bám lan qua lỗ trong cổ tử cung. Chuyên gia tư vấn dùm em trường hợp này có nguy hiểm gì và cách khắc phục tình trạnh tốt hơn. Em cảm ơn

Lâm Mai

(2016/04/20 00:21)

Chào bạn
Bình thường nhau bám ở đáy tử cung, khi nhau bám thấp gần lỗ trong cổ tử cung gọi là nhau tiền đạo trong thai kỳ, đây là tình trạng nhau thai không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà một phần, hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung.
Nhau tiền đạo có các dạng: nhau bám thấp, nhau bám mép, nhau tiền đạo bán trung tâm, nhau tiền đạo trung tâm. Hiện nay, nguyên nhận chính xác gây ra tình trạng trên vẫn chưa được xác định. Bình thường, nhau bám ở vùng đáy tử cung. Y khoa cho rằng khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc vùng đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ sự thiếu hụt này, vì vậy bánh nhau tràn xuống đoạn dưới tử cung. Một số yếu tố nguy cơ của nhau bám thấp: mẹ lớn tuổi, sinh nhiều lần, mổ lấy thai nhiều lần. Những người có tiền căn nạo phá thai cũng sẽ có nguy cơ bị nhau tiền đạo nhiều hơn. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Những thai phụ bị nhau tiền đạo có nguy cơ xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng gây choáng, mất máu và tử vong ở mẹ. Em bé có nguy cơ bị sinh non tháng nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trong xảy ra, bắt buộc nhân viên y tế cần phải mổ lấy thai để cứu mẹ (tỉ lệ non tháng từ 30 – 40%). Những trẻ sinh non tháng trong các trường hợp này có thể bị bệnh màng trong (hội chứng suy hô hấp sơ sinh) do thiếu chất Surfactant.
Do vậy, bạn cần nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, ăn uống bồi dưỡng, kiêng quan hệ tình dục. Nên khám thai định kỳ và theo dõi xem bánh nhau có “di chuyển” lên hay không. Cần phải siêu âm theo chỉ định để được xác định nên sinh mổ hay sinh thường để tránh việc xuất huyết quá mức gây nguy hiểm cho tính mạng của cả bà mẹ và thai nhi, đồng thời nên giữ tâm lý thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều bạn nhé.

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan