Da Liễu

Chào bác sỹ! bác sỹ tư vấn giúp em với ạ! Trên người em xuất hiện nhiều những đốm trắng và những vệt thâm loang lổ. Mọi người bảo em là bị lang ben. Em có dùng những loại thốc bôi ngoài da như tomax genta. Dùng một thời gian thì những đốm này biến mất. Nhưng chỉ vài tháng sau những đốm này lại xuất hiện trở lại thường hay vào màu đông. Em chưa đi bệnh viên khám mà chỉ mua thuốc về dùng thôi. Bác sỹ cho em hỏi là em bị bệnh gì và tư vấn giúp em cách chữa trị dứt điểm bệnh với ạ! Em cảm ơn bác sỹ!

Đỗ Anh Tuấn

(2016/03/02 04:56)

Chào em,
Em bị nhiều đốm trắng và những vệt thâm loang lổ trên da, thì có thể em bị lang ben, nhưng cũng cần phân biệt với bệnh bạch biến.
- Lang ben:
Lang ben là bệnh nấm da nông do nấm men có tên khoa học là Malassezia furfur gây nên. Nấm này bình thường sống tại cổ nang lông và có xu hướng phát triển mạnh hơn ở vùng da dầu như cổ, phần trên của ngực và lưng. Bệnh biểu hiện là các đốm nhỏ mầu trắng hồng, hoặc xám thâm, trên tổn thương có vảy mịn.
Các tổn thương rải rác ở cánh tay, ngực và lưng, đôi khi xuất hiện ở cổ và mặt. Ở những người da sáng mầu (trắng), tổn thương có thể là đốm nhạt mầu khó nhận hoặc các đốm mầu thâm hoặc hồng.
Trong khi đó ở người da sẫm mầu (đen, vàng), đốm lang ben thường có mầu sáng hoặc đen.
- Bạch biến:
Bạch biến là bệnh da mất sắc tố do hiện tượng giảm hoặc mất tế bào melanocyte tại chỗ. Hiện nay, các tác giả đưa ra một số giả thuyết bệnh như hiện tượng tự miễn, yếu tố thần kinh, nội tiết... Một số bệnh khác có liên quan đến bạch biến như rụng tóc thể mảng, bệnh tuyến giáp, bệnh Addison, thiếu máu tự miễn, đái tháo đường... Bạch biến có tỷ lệ mắc lên đến 1% trong dân số và tác động đến tất cả các chủng tộc và cả hai giới.
Tuy nhiên, ở những người da sẫm mầu, việc phát hiện bệnh sớm và tác động đến thẩm mỹ lớn hơn. Tiền sử gia đình bị bạch biến gặp ở 1/3 các trường hợp. Người bệnh thường than phiền về sự xuất hiện đám da mất sắc tố, mầu trắng như sữa, vị trí có thể ở mặt, môi, cẳng tay, chân, trong thân mình, vùng sinh dục. Đặc điểm tổn thương là giới hạn rõ đôi khi chung quanh có tăng sắc tố nhẹ, không có vảy, không ngứa hay đau rát. Ở những trường hợp điển hình thì lông trên tổn thương cũng có mầu trắng. Bệnh tiến triển nhanh hoặc qua nhiều năm với các thể khu trú, lan tỏa, thành đoạn/khúc, hay viêm đỏ. Những dát mất sắc tố này thường dễ bị bỏng khi tiếp xúc với ánh nắng.
Vì chưa được chẩn đoán chính xác bệnh nên em không nên tự ý điều trị, vì điều trị không đúng không những không khỏi được mà còn có thể khiến bệnh nặng hơn.
Em nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời nhé!
Chúc em sớm khỏi bệnh!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan