Da Liễu

Thưa BS! 1- Cách đây hơn 6 tháng tôi có đi tắm biển và bị con bù mắt cắn sau đó bị sưng như muỗi cắn và ngứa kinh khủng, đến bây giờ các vết cắn vẫn nổi cục, thâm đen và ngứa và hình như càng gãi càng ngứa, thỉnh thoảng vẫn chảy dịch. Tôi đã dùng xanh- mê -ti- len bôi nhưng không cải thiện được bệnh tình. Xin hỏi BS là có cách nào để điều trị tốt hơn không? 2- Gần đây tôi bị nổi những nốt nhỏ (có khi chỉ lớn hơn mụn rôm sảy một tý thôi), thường nổi ở những vùng da không có lông như cạnh các ngón tay, cạnh bàn tay. Khi châm và nặn ra thì thấy có tý nước. Các nốt này xuất hiện khá nhanh và ngứa. Tôi đã châm nặn dịch ra và bôi xanh- mê -ti- len thì thấy khỏi nhưng hôm sau lại xuất hiện ở nơi khác. Xin hỏi tôi bị bệnh gì? Có người nói tôi cần đề phòng bị bệnh gan hoặc tiểu đường nên tôi lo quá. Mong được BS trả lời sớm!

Văn Đình

(2016/01/04 22:57)

Chào bạn,
1, Bù mắt là một loại côn trùng nhỏ, thường gặp ở vùng nông thôn. Khi tiếp xúc với bù mắt, dịch tiết của chúng gây ra các phản ứng nóng rát kèm theo rất ngứa, càng gãi sang thương càng lan do động tác gãi vô tình làm dịch tiết lan rộng sang vùng da xung quanh.Các triệu chứng dị ứng sẽ mất dần trong thời gian 5-7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở một số người, phản ứng dị ứng có thể kéo dài, và có thể bị nhiễm trùng. Khi đó để hạn chế tình trạng dị ứng, nên rửa vùng da tiếp xúc với nước và có thể sử dụng các thuốc thoa như:\n- Hydrocortisone 0,05% thoa 1-2 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 3-5 ngày hoặc\n- Fucidine –H thoa từ 1-2 lần/ngày trong 3-5 ngày.
Xanh methylen bạn dùng chỉ có tác dụng giải độc, sát khuẩn nhẹ. Bạn đã bị hơn 6 tháng thì có lẽ dùng các thuốc trên sẽ ít có tác dụng. Bạn nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để kiểm tra mức độ dị ứng và xem có bị dị ứng không để điều trị sớm và phù hợp nhé!
2, Theo như những gì bạn miêu tả thì có thể bạn bị bệnh tổ đỉa.
Triệu chứng

– Mụn nước màu trắng trong là triệu chứng chính, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn.

– Vị trí: 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn. Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.

– Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.

– Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.
Tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.
Tùy từng trường hợp, thày thuốc sẽ phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống dị ứng toàn thân hoặc tại chỗ. Phải điều tra các chất gây dị ứng để loại trừ. Nếu do rối loạn hấp thụ vitamin, cần bổ sung vitamin thích hợp ( vitamin PP, C, B6 ).
\n– Tránh bóc vảy, chọc lễ mụn. Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi,làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn phụ. Không nên ngâm tay nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.

– Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ.

– Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân
Bạn nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác xem có đúng là bệnh tổ đỉa không. Từ đó, các bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc điều trị phù hợp nhé!
Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan